Giải pháp đột phá phát triển logistics Hải Phòng

Diendandoanhnghiep.vn Để Hải phòng thực sự trở thành một Trung tâm logistics quốc tế vào năm 2030 thì chúng ta cũng còn rất nhiều việc phải làm.

Doanh nhân Trần Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sao Á D.C cho rằng, Hải Phòng thực sự có tiềm năng trở thành Trung tâm logistics quốc tế. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra thì cũng còn rất nhiều việc phải làm.

Doanh nhân Trần Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư Sao Á D.C

Doanh nhân Trần
Tiến Dũng, Chủ tịch
HĐQT công ty CP
Đầu tư Sao Á D.C

Theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao… Tuy nhiên, giữa chiến lược đặt ra và thực tế thực hiện đang có độ vênh nhất định.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Hải Phòng để có thể trở thành trung tâm logistics quốc tế?

Với hàng loạt các hiệp định tự do thương mại, gần đây nhất là EVFTA, hàng hóa Việt Nam đang có lợi thế lớn để đến với thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu cũng như các thị trường lớn khác trên thế giới. Sự ổn định về mặt chính trị, lợi thế dân số vàng, lực lượng lao động trẻ, trình độ tay nghề cao cũng như xu thế Trung Quốc + 1 gần đây, Việt Nam đang là điểm đến ưu tiên của dòng vốn FDI mới cũng như dịch chuyển từ các nước khác. Đó là những lợi thế chung mà Hải Phòng được hưởng lợi.

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 06/2008/QD-Ttg thành lập Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, rộng khoảng 22.540ha trải rộng trên nhiều quận, huyện của thành phố. Với nhiều chính sách ưu đãi cộng với vị trí gần kề cảng biển quốc tế, cảng hàng không, đây là lợi thế lớn cho Hải phòng trong việc thu hút đầu tư quốc tế và trong nước.

Những năm gần đây Hải Phòng không ngừng cải thiện đầu tư mạnh mẽ phát triển cơ sở hạ tầng cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, Hải Phòng không ngừng cải thiện và đầu tư mạnh mẽ phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cảng biển nước sâu tại khu vực Lạch Huyện, cho phép tàu trọng tải cỡ lớn vào làm hàng trực tiếp tại cảng, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực phía Bắc trực tiếp đến từ thị trường Mỹ và Tây Á và ngược lại…

Với những lợi thế và thuận lợi như trên, tôi cho rằng Hải Phòng đã và đang khẳng định vai trò cửa ngõ của cả khu vực kinh tế Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cũng như hàng hóa từ các nước bạn như Trung Quốc, Lào. Hải Phòng thực sự có tiềm năng trở thành Trung tâm logistics quốc tế!

Tuy nhiên để Hải phòng thực sự trở thành một Trung tâm logistics quốc tế vào năm 2030 thì chúng ta cũng còn rất nhiều việc phải làm.

- Điều ông trăn trở đó là gì, thưa ông?

Đầu tiên tôi muốn nói về khối cảng biển. Trong 15 năm gần đây, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã rất tích cực đầu tư, phát triển hệ thổng cảng trong khu vực sông Cấm. Tuy nhiên, việc có 13 doanh nghiệp tham khai thác 29 bên container, trải dài từ Lạch Huyện vào khu vực sông Cấm, bao gồm cả những cảng được đầu tư đồng bộ, các cảng nhỏ, sơ sài đã gây nên tình trạng cạnh tranh, giành hàng khốc liệt tại khu vực Hải phòng trong nhiều năm qua.

Những năm 2007, 2008 tại các bên cảng khu vực Chùa Vẽ, với suất đầu tư thấp hơn nhưng đơn giá bốc xếp đã là USD48/container 20 feet; những năm tiếp theo là một cuộc chạy đua giảm giá, giành hàng khốc liệt khi hàng loạt các cảng mới ra đời, dẫn tới có thời điểm mức giá bốc xếp chỉ còn ~USD18/container 20 feet.

Đại diện hãng tàu EVERGREEN SHIPPING AGENCY (VIETNAM) đến thăm và làm việc ở Công ty

Đại diện hãng tàu EVERGREEN SHIPPING AGENCY (VIETNAM) đến thăm và làm việc ở Công ty

Sự vào cuộc của Cục Hàng hải những năm 2015 đã chặn đà lao dốc của đơn giá dịch vụ bốc xếp container nhưng cũng chỉ khôi phục lên đến mức giá sàn USD33/container 20 feet và USD50/container 40 feet (Con số thực thu của các cảng còn thấp hơn do các chính sách khuyến mại,…). Việc đẩy mạnh xây dựng các bến cảng khu vực Lạch Huyện là thiết yếu nhưng với suất đầu tư lớn, dự kiến 4.000 tỉ / bến cảng thì để các dự án đó khả thi thì đơn giá xếp dỡ cần thiết phải khoảng USD65-70/container 20’.

Câu chuyện về hệ thống kho tàng bến bãi cũng tương tự. Mười năm năm trước, với cơ sở hạ tầng tận dụng, các kho tại khu vực Chùa Vẽ, Hải Phòng đã thu đươc phí bốc xếp đối với dịch vụ gom hàng xuất khẩu là USD2.5/khối hàng (CBM), chiếm khoảng 25% so với đơn giá các doanh nghiệp logistics quốc tế thực thu của chủ hàng.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hải phòng đã tích cực mở rộng đầu tư nhiều kho mới tại khu vực Đình Vũ - nơi có địa chất yếu nên suất đầu tư đã tăng gấp 3-4 lần so với khu vực Chùa Vẽ nhưng mức phí dịch vụ gom hàng xuất khẩu cũng vẫn ở mức cũ là ~USD2.5/CBM trong khi mức giá các doanh nghiệp logistics quốc tế thực thu đã tăng lên ít nhất 50%.

Với suất đầu tư lớn, chi phí khai thác vận hành tăng nhanh trong khi đơn giá không đổi, nhiều doanh nghiệp lớn đã phải tạm dừng các kế hoạch mở rộng sản xuất trong khi nhiều doanh nghiệp đã lỡ đầu tư thì lâm vào cảnh sống dở chết dở, thu không đủ bù chi, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Với vận tải đường bộ, số lượng phương tiện vận tải đầu kéo container đã tăng mạnh mẽ nhưng chủ yếu là của doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể. Với vận tải đường sông, đây là phương thức vận tải kinh tế, lượng khí sả thải thấp hơn đường bộ, hệ thống sông ngòi phong phú của miền Bắc nhưng lâu này chưa được phát huy.

- Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, theo ông, Hải Phòng cần phải tiến hành những giải pháp đồng bộ gì để khắc phục những tồn tại này và hướng đến tương lai - là xây dựng trở thành một trung tâm logistics hiện đại?

Để Hải Phòng phát triển thành Trung tâm logistics quốc tế, chúng ta cần có quy hoạch tổng thể, cần tạo điều kiện phát triển cho những doanh nghiệp lớn, tâm huyết thay cho tình trạng phát triển tự phát, manh mún như thời gian qua.

Về phía cảng biển, việc cấp phép khu bến cảng Lạch Huyện và các khu mới cần theo sát với nhu cầu, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, lãng phí nguồn lực xã hội, tránh gây tình trạng thừa cung thiếu cầu như tại cụm cảng Cái Mép Thị Vải những năm 2010.

Đội xe container của công ty Sao Á D.C

Đội xe container của công ty Sao Á D.C.

Để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam thì thành phố cũng nên xem xét mô hình chính quyền cảng như một số nước trong khu vực đang áp dụng, đồng thời chọn lựa kỹ lưỡng khi trao quyền phát triển cảng cho các doanh nghiệp.

Đối với hệ thống kho bãi, thực trạng nhiều khu công nghiệp, diện tích thực tế sử dụng để xây dựng hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics chiếm rất lớn, vượt quá quy hoạch ban đầu, không còn diện tích phát triển nhà xưởng sản xuất, dẫn tới phá vỡ sự cân bằng. Do vậy, trong quy hoạch phát triển các cụm, khu công nghiệp cần nghiên cứu nhu cầu khu dịch vụ logistics là có cần thiết hay không, nếu có thì cần qui định rõ quỹ đất tối đa được sử dụng để phát triển dịch vụ logistics.

Với điều kiện tự nhiên sông ngòi, trong thời gian tới chúng ta cần quan tâm phát triển vận tải sông, vận tải thủy nội địa cùng với hệ thống các cảng nội địa, khu logistics liền kề cảng nội địa để hàng hóa được vận chuyển với số lượng lớn hơn, có tác động lớn để tiết giảm chi phí logistics và an toàn hơn vận tải bộ và bảo vệ môi trường hơn.

Về vận tải đường bộ, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh.

- Hiệp hội Logistics Hải Phòng đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để thành lập sớm nhất. Và khi sức mạnh được tập hợp sẽ nâng tầm vươn xa cho logistics Hải Phòng, thưa ông?

Để có đủ năng lực cạnh tranh với các nhà cung cấp logitics quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp logistics Hải Phòng phải liên kết lại. Và để có thể đoàn kết tập hợp được sức mạnh tập thể, rất cần thiết sớm thành lập Hiệp hội Logistics Hải Phòng.

Hiệp hội này chính là cánh tay nối dài của chính quyền để đưa ra định hướng tốt nhất cho phát triển ngành logistics. Các doanh nghiệp logistics cũng sẽ có nhiều cơ hội giao lưu với nhau hơn, một số doanh nghiệp sẽ là “sếu đầu đàn” để lĩnh xướng, tổ chức sản xuất với quy mô đủ lớn. Nếu 100 doanh nghiệp logistics Hải Phòng đoàn kết với nhau để phát triển một trung tâm logistics trên 3.000 tỷ đồng thì tầm vóc sẽ rất lớn.

Hiện Ban vận động thành lập Hiệp hội Logistics Hải Phòng đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để thành lập. Dự kiến trong quý II/2021 chúng tôi sẽ ra mắt Hiệp Hội Doanh nghiệp Logistics Hải Phòng.

Sau khi thành lập Hiệp Hội Logistics Hải Phòng, một trong những việc làm đầu tiên là chúng tôi - các doanh nghiệp logistics sẽ mời các chuyên gia tầm cỡ quốc tế, khu vực nghiên cứu khảo sát để tặng thành phố Hải Phòng một đề xuất quy hoạch cảng biển và logistics Hải Phòng.

Khi chúng ta có hoạch định tốt, có sự quan tâm của lãnh đạo và khát vọng của cộng đồng doanh nghiệp Logistics, Hải phòng của chúng ta sẽ trở thành Trung tâm Logistics tầm cỡ quốc tế trong tương lại không xa.

Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp đột phá phát triển logistics Hải Phòng tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713461777 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713461777 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10