Việc giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng với ngành phân bón không chỉ là xu thế mà cũng chính là trách nhiệm với cộng đồng.
Thực tế cho thấy, phân bón đóng vai trò thiết yếu trong ngành nông nghiệp, với khả năng tăng sản lượng cây trồng. Theo Hiệp hội Phân bón thế giới, nếu không sử dụng phân bón, sản lượng nông nghiệp toàn cầu có thể giảm tới 50%. Tuy nhiên, ngành sản xuất phân bón cũng góp phần vào lượng phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 2,5% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, việc sử dụng phân bón nhiều, cả trong sản xuất lẫn tiêu dùng gây ra hệ lụy cho đất, nước và khí thải, đặc biệt là khí phát thải nhà kính. Do đó, chuyển đổi xanh trong ngành sản xuất và sử dụng phân bón là cần thiết để sản xuất với mức phát thải thấp và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đây là hướng đi tất yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Để thực hiện chuyển đổi xanh, ngành phân bón cần tiết kiệm năng lượng, đổi mới quy trình công nghệ và phát triển các loại phân bón hiệu quả cao như phân đạm giải phóng chậm và phân urea dúi sâu, nhằm giảm thất thoát nitơ và khí phát thải. Doanh nghiệp cần thông tin và tài chính, cùng với chính sách hỗ trợ từ nhà nước để đổi mới công nghệ và nâng cấp thiết bị.
Ngoài ra, cần xây dựng năng lực cho doanh nghiệp thông qua đào tạo và phát triển thị trường dịch vụ tư vấn kỹ thuật. Về tài chính, cần phát triển các dịch vụ ngân hàng hỗ trợ chuyển đổi xanh, và sửa đổi Luật thuế 71/2014/QH13 để khuyến khích đầu tư vào phân bón hiệu suất cao.
“Việc cấp bách là giảm lượng phân bón sử dụng trên mỗi đơn vị diện tích, hiện Việt Nam đang sử dụng hơn 400 kg phân bón vô cơ trên một ha, trong khi trung bình thế giới chỉ khoảng 135 kg/ha. Đồng thời, cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ hợp lý và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng - đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng thời điểm và đúng cách trong sử dụng phân bón”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho rằng, để giảm phát thải khí nhà kính trong sử dụng phân bón, hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững, chúng ta cần phát triển các chế phẩm, hoạt chất có khả năng giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, cần có quy định cụ thể, có chính sách nhằm tăng cường hoặc bắt buộc việc sử dụng các chất ức chế này trong sản xuất phân bón như Liên minh Châu Âu và một số quốc gia (như Anh, Trung Quốc) đã thực hiện trong thời gian gần đây.
“Việc giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng với ngành phân bón không chỉ là xu thế mà cũng chính là trách nhiệm với cộng đồng. Vì vậy, cần đẩy mạnh những nghiên cứu phục vụ cho khuyến cáo sử dụng phân bón đúng. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về nhu cầu dinh dưỡng của các loại cây trồng; khả năng cung cấp dinh dưỡng của các loại đất trong các điều kiện khác nhau; tỷ lệ phối hợp dinh dưỡng vô cơ/hữu cơ… Đặc biệt, phát triển các công cụ trực tuyến hỗ trợ nông dân ra các quyết định về sử dụng phân bón một cách hợp lý nhất trên cơ sở chất lượng đất, cây trồng và năng suất mục tiêu của từng hộ, đặc điểm về khí hậu, thời tiết, khả năng canh tác của từng hộ”, PGS-TS Trần Minh Tiến khuyến nghị.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Đại Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ, việc bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Điều này tạo cơ hội cho công ty chủ động kiểm soát và giảm thiểu phát thải, đồng thời giảm sử dụng năng lượng. Hơn nữa, việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ, giải pháp xanh, bền vững và thân thiện với môi trường không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh và hình ảnh thương hiệu của công ty.
Tuy vậy, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đang phải đối mặt với một số thách thức chính trong việc giảm phát thải khí nhà kính như nhận thức của người lao động về khí nhà kính và biến đổi khí hậu còn hạn chế; vẫn chưa cập nhật được công nghệ tiên tiến, dẫn đến mức tiêu hao nhiên liệu và năng lượng cao; thiết bị đo lường và kiểm soát còn chưa đạt yêu cầu; thiếu kinh nghiệm trong việc tính toán kiểm kê khí nhà kính; đặc biệt là thiếu nguồn vốn để đầu tư cho các giải pháp giảm phát thải...
Trước những khó khăn, thách thức trên, ông Trần Đại Nghĩa đề nghị, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp vốn ưu đãi có lãi suất thấp, hoặc các nguồn vốn được tài trợ để triển khai giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiến tiến ít phát thải. Ngoài ra là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao. Tạo điều kiện về thể chế pháp luật quản lý phát thải khí nhà kính trong sản xuất và kiểm soát sản phẩm trong quá trình lưu thông trên thị trường và sử dụng.