“Việc áp thuế VAT 5% giúp doanh nghiệp có động lực đổi mới, phân bón Việt Nam được cạnh tranh sòng phẳng với phân bón thế giới và các doanh nghiệp nhập khẩu…”.
Đây là nhận định của ông Lê Văn Ngân, Chánh văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam xung quanh câu chuyện áp thuế VAT với phân bón được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua.
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã được đưa ra thảo luận, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV này. Trong đó, phương án áp thuế GTGT 5% đối với phân bón đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều Đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia, nhằm đảm bảo cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón được nhập khẩu, vì lợi ích người nông dân, sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng khoản 3 Điều 15 trong Dự thảo Luật là không hợp lý, cần phải được điều chỉnh.
Ngày 26/11 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế GTGT. Theo chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đây là một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của các Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp, cử tri cả nước. Ông An cho biết, hiện nay, cơ bản những nội dung lớn của Luật Thuế GTGT đã được thống nhất chỉ còn một số ý kiến khác nhau.
"Cần phải nhận thức rằng, Thuế GTGT với phân bón có giá trị không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác. Các Đại biểu Quốc hội cũng cần phải lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia, các đánh giá dưới góc độ khoa học để có sự thống nhất cao", Đại biểu Trịnh Xuân An thẳng thắn.
Phân tích về nội dung này từ góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ gây ra nhiều bất cập. Bởi lẽ, khi thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí của doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận, buộc họ phải cộng tiền thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đã tính vào chi phí trong giá sản phẩm bán ra. Như vậy, người nông dân gián tiếp phải trả thuế, gây thiệt hại "kép" cho nông dân bên cạnh phân bón giả, phân bón có giá thành cao, đồng thời có thể dẫn đến Nhà nước thất thu thuế.
Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lại có lợi thế không phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu đối với bán thành phẩm của phân bón hoặc sản phẩm phân bón và cũng không phải chịu thuế GTGT đầu ra nên không bị tác động giảm lợi nhuận do tác động chính sách thuế.
Ví dụ, giá bán sản phẩm phân bón của hai doanh nghiệp (doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu) chưa bao gồm thuế GTGT là 100 đồng, giá trị đầu vào là 80 đồng, dự kiến lợi nhuận ban đầu là 20 đồng. Nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8 đồng tiền thuế thuế GTGT không được khấu trừ, giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8 đồng để bù đắp chi phí thuế. Do vậy, thực tế giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng là 108 đồng, khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi khi trả số tiền cao hơn.
“Với mức giá 108 đồng, doanh nghiệp sản xuất trong nước mới bảo đảm lợi nhuận mục tiêu để duy trì sản xuất, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần mức giá 100 đồng. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nhập khẩu tính giá theo cơ chế thị trường, họ cũng có thể tăng giá bán lên 108 đồng, khi đó người tiêu dùng có thể phải trả thêm 8 đồng thuế đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu do chính sách thuế”, ông Được phân tích.
Ngoài ra cũng theo vị chuyên gia này, do lợi thế có được từ chính sách thuế nên nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phân bón có điều kiện cạnh tranh về giá, chưa nói đến chất lượng và hậu mãi. Từ đó có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, thậm chí có thể tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng dẫn đến độc quyền trong dài hạn khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước kiệt quệ, thua lỗ, thậm chí phá sản…
Cũng nhận định về vấn đề này, ông Lê Văn Ngân, Chánh văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng khi áp dụng quy định thuế VAT 5% chắc chắn doanh nghiệp sẽ đầu tư vào công nghệ, từ đó giúp Việt Nam có thêm các sản phẩm phân bón thế hệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm phần lớn.
"Khi đó, chúng ta sẽ có những cải tiến về năng suất, chất lượng nông sản, sản phẩm của Việt Nam đi ra thế giới sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy, tôi cho rằng việc áp thuế VAT 5% sẽ giúp doanh nghiệp có động lực đổi mới, để phân bón Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp phân bón thế giới và doanh nghiệp nhập khẩu phân bón", ông Ngân nói.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, mức thuế VAT 5% với phân bón là hợp lý. Bởi lẽ nếu áp thuế 10% hoặc 0% thì người nông dân sẽ không được lợi gì, mà còn bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng không thu được thuế từ sản xuất trong nước lại càng không thu được thuế từ doanh nghiệp nước ngoài.
"Do đó, đánh thuế 0% là không được mà 10% thì quá cao. Theo tính toán của chúng tôi, trong giai đoạn 2013-2014, qua khảo sát qua 4 doanh nghiệp phân bón lớn, giá đầu vào phân bón nhập vào là khoảng 3-4%. Chúng tôi đề xuất là áp thuế 5% vào phân bón, vì từ đó có cơ sở đủ để khấu trừ phần chiết khấu thuế đầu vào cũng không làm tăng giá trị phân bón quá nhiều. Với việc áp thuế 5% và tính toán của 4 doanh nghiệp lớn, thì doanh nghiệp nhỏ có thể trừ chi phí đầu vào. Cho nên với mức 5%, theo chúng tôi có thể đáp ứng được yêu cầu của các bên", ông Thịnh chia sẻ.