24h

Áp thuế VAT với phân bón: Nhà nước cần điều tiết để giá không tăng

Khôi Nguyên 11/11/2024 11:05

Chuyên gia cho rằng, khi áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, Nhà nước cần điều tiết để đảm bảo phân bón không tăng cao…

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26/11/2024, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là đề xuất áp thuế đối với mặt hàng phân bón và nếu áp thuế sẽ ở mức bao nhiêu?

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ có tác động đến thị trường phân bón, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và đặc biệt là người nông dân – những người sử dụng mặt hàng này.

ap-thue-vat-voi-phan-bon-nha-nuoc-can-dieu-tiet-de-gia-khong-tang-1.jpg
Việc áp 5% thuế VAT sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ảnh minh hoạ

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu - ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, hiện có hai kịch bản để lựa chọn khi áp dụng thuế VAT là 0% hay 5%, đây là hai kịch bản được nhiều người có ý kiến. So sánh hai phương án là áp thuế VAT 5% hay 0%, ông Hiếu nhấn mạnh là mỗi một kịch bản đều có điểm lợi và điểm bất lợi khác nhau. Không có một kịch bản nào là toàn diện và rất khó để so sánh.

Theo ông Hiếu, chỉ quyết định chọn được phương án nào nếu như chúng ta lấy đối tượng nào làm trọng tâm, đó là Nhà nước, doanh nghiệp hay người tiêu dùng (người nông dân) để quyết định. Nhìn ở góc độ người tiêu dùng, ông Hiếu cho rằng nếu doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, họ có sẵn sàng giảm giá bán cho nông dân hay không? Bởi khi áp thuế 5% chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng lên. Còn trong trường hợp thuế suất VAT 0%, ít nhất giá thành phân bón không tăng.

Với kịch bản áp thuế VAT 5%, ông Hiếu cho hay doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào, có điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, gia tăng cạnh tranh. Ông Hiếu đánh giá trong cả hai kịch bản này thì doanh nghiệp đều có lợi ích như nhau và đây là cơ hội giảm chi phí. Sản xuất trong nước sẽ lợi hơn nhập khẩu vì sản phẩm nhập khẩu cộng thêm 5%, sản xuất trong nước sẽ được gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Nhưng ở góc độ người tiêu dùng, họ phải trả thêm 5%. Việc doanh nghiệp có giảm giá bán hay không mới chỉ là kỳ vọng. "Tôi đề xuất nên lấy ý kiến riêng về vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân bón, trước khi thông qua trình toàn văn dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng", ông Hiếu kiến nghị.

Từ góc độ chuyên môn, bà Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên viên chính Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho rằng việc áp 5% thuế VAT sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp vì toàn bộ thuế VAT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí mà được khấu trừ thuế VAT đầu vào.

"Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế VAT đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%), các doanh nghiệp sản xuất sẽ có dự địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường không thay đổi", bà Hương phân tích.

ap-thue-vat-voi-phan-bon-nha-nuoc-can-dieu-tiet-de-gia-khong-tang-2.jpeg
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, khi áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, Nhà nước cần điều tiết để đảm bảo phân bón không tăng cao. Ảnh minh hoạ

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, trước năm 2014 chúng ta đã áp thuế 5% đối với mặt hàng phân bón. Từ tháng 1/2015, khi không áp thuế VAT đối với mặt hàng phân bón thì nông dân vui, nông nghiệp đã có tăng trưởng. Tuy nhiên, sau đó khi thị trường nông nghiệp gặp một số vấn đề, doanh nghiệp gặp khó khăn, có nhiều doanh nghiệp lao đao, cũng có nơi sản xuất phân bón kém chất lượng...

"Chúng ta rất cần đầu tư cho nông dân, phát triển nông nghiệp bền vững. Do vậy quan điểm của tôi là áp thuế VAT nhưng phải thỏa mãn các điều kiện và Nhà nước phải cam kết được việc bình ổn giá" - ông Thủy nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hòa - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho biết, qua giải trình của Thường vụ Quốc hội, ông nhận thấy từ năm 2015, khi chuyển phân bón từ chịu thuế VAT 5% sang không chịu thuế đã gây ảnh hưởng, bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Vì thuế VAT đầu vào của các doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào. Điều này ảnh hưởng rất lớn đối với đầu tư, mua sắm sản phẩm cố định làm giá thành sản phẩm trong nước tăng cao.

"Quan điểm của tôi là đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội. Đó là phải áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón. Phân bón hiện nay là loại hàng hóa trong diện bình ổn giá. Nhà nước sẽ điều tiết để đảm bảo phân bón không tăng cao", ông Hòa chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp thuế VAT với phân bón: Nhà nước cần điều tiết để giá không tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO