“Nhìn vào thực tiễn, quy định miễn thuế GTGT đối với phân bón trong Luật Thuế không được đúng với kỳ vọng của nhiều nhà khoa học và người làm luật…”.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) xung quanh đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế gia tăng (VAT) mức 5% đang được dư luận hết sức quan tâm.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, thời gian qua, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam liên tiếp kiến nghị việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT, bởi khi mặt hàng này được áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, từ đó có nhiều dư địa để giảm giá thành sản phẩm; thu hút đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mới đây, trong ngày làm việc thứ 8 của Quốc hội (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ đề nghị áp thuế VAT 5% với phân bón như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Trao đổi xung quanh nội dung này, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) khẳng định, với kinh nghiệm gần 20 năm làm chính sách tài chính có thể thấy quy định miễn thuế GTGT phân bón trong Luật Thuế 71/2014/QH13 không đúng kỳ vọng của nhiều nhà khoa học và người làm luật.
Lý giải rõ hơn, ông Phụng cho biết thuế GTGT có tính chất liên hoàn, số thuế GTGT phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào. Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp nộp thuế GTGT ở đầu ra được khấu trừ thuế GTGT đã nộp ở đầu vào.
“Nếu phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào mua nguyên liệu để sản xuất phải nộp thuế GTGT 5% hoặc 10% thì không được khấu trừ. Doanh nghiệp buộc phải cộng thêm chi phí vào sản xuất, tăng giá bán tới người nông dân. Như vậy, miễn thuế GTGT phân bón tưởng là ưu đãi nhưng hóa ra lại là “ngược đãi” với cả doanh nghiệp và người nông dân”, ông Phụng chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Trưởng Ban Chính sách Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM cũng phân tích, với việc miễn thuế suất GTGT, ví dụ giá bán sản phẩm phân bón của doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu chưa bao gồm GTGT đều là 100 đồng, trong đó, giá trị đầu vào là 80 đồng, dự kiến lợi nhuận ban đầu là 20 đồng.
Nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8 đồng tiền thuế GTGT không được khấu trừ, giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8 đồng để bù đắp chi phí thuế. Do vậy, thực tế giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng là 108 đồng khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi khi phải trả giá cao hơn.
“Với mức giá 108 đồng, doanh nghiệp sản xuất trong nước mới bảo đảm lợi nhuận mục tiêu để duy trì sản xuất, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần mức giá 100 đồng. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nhập khẩu tính giá theo cơ chế thị trường, họ cũng có thể tăng giá bán lên 108 đồng, khi đó người nông dân vẫn phải trả thêm 8 đồng thuế đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu do chính sách thuế”, chuyên gia Nguyễn Văn Được phân tích.
Theo vị chuyên gia này, ở trường hợp áp thuế suất GTGT 5% theo giả thuyết trên là 5 đồng, thuế GTGT đầu vào vẫn là 8 đồng, do chính sách được hoàn thuế, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ có 8 đồng đầu vào được khấu trừ với 5 đồng đầu ra và được hoàn lại 3 đồng. Khi đó, giá bán của sản phẩm phân bón là 105 đồng và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn bảo đảm 20 đồng.
Chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu không bị ảnh hưởng lớn bởi chính sách này vì khi nhập khẩu chịu thuế GTGT 5% và khi bán ra cũng chịu thuế GTGT 5%, về cơ bản giá bán vẫn là 105 đồng và lợi nhuận là 20 đồng. Trong khi đó, tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước, điều này cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa dẫn dắt điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón.
Theo nghiên cứu của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID/IPSC) ước tính từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa, sau khi khấu trừ các khoản được hoàn thuế GTGT, đối với người nông dân sử dụng chủ yếu phân bón trong nước, giá bán các loại phân bón giữ nguyên hoặc giảm, từ đó giúp chi phí sử dụng phân bón trong nước ước giảm 453 tỷ đồng.
“Như vậy, không có cơ sở hay phương thức hạch toán nào nói lên “áp thuế GTGT 5% chắn chắn làm tăng giá phân bón” như ý kiến của một số ít đại biểu Quốc hội lo ngại. Ngược lại, đây còn là cơ sở để doanh nghiệp nội địa đang cung ứng 73% tỷ trọng phân bón trong nước có thể tiết giảm chi phí sản xuất, từ đó hạ giá thành sản phẩm tới tay người nông dân”, chuyên gia Nguyễn Văn Được chia sẻ.