Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế mức 5% thay vì miễn thuế như trước đây được nhận định sẽ có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân…
Theo TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, việc đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế gia tăng mức 5%, thay vì miễn thuế là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, của nông dân trong cả nước.
Ông Ngọc cho biết, hiện đang có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau, một quan điểm cho rằng, sửa đổi thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, sửa đổi thuế giá trị gia tăng sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp còn người nông dân thì sẽ phải chịu thiệt thòi.
"Khi thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng sẽ tác động chủ yếu đến 3 đối tượng gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng phân bón (nông dân). Do đó, cần phải phân tích nghiên cứu kỹ lưỡng xem ba đối tượng sẽ bị ảnh hưởng và lợi ích này có được hài hòa không? Hay bị xung đột?", ông Ngọc lưu ý. Phân tích cụ thể hơn, ông Ngọc cho rằng khi áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% thay vì miễn thuế phân bón sẽ có nhiều lợi ích.
Thứ nhất, nông dân sẽ được hưởng lợi, bởi doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi, nên có thể sẽ giảm giá phân bón.
Thứ hai, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất sẽ làm tăng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.
Thứ ba, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.
Đồng quan điểm, phân tích định lượng tác động nếu áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, TS Trần Thị Hồng Thủy, chuyên gia của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) cho hay, định lượng tác động đối với doanh nghiệp sản xuất Urê, giá bán thành phẩm có dư địa giảm 2,0%.
Vị chuyên gia cho rằng, có được điều này là nhờ, các doanh nghiệp sản xuất phân Urê sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào lên tới 9,3%. Đối với doanh nghiệp sản xuất phân NPK sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào 6,4%, nhưng giá bán thành phẩm có thể tăng 0,09%. Đối với doanh nghiệp sản xuất phân DAP, giá bán thành phẩm có dư địa giảm 1,13%, do được khấu trừ thuế VAT đầu vào ở mức 8,1%. Doanh nghiệp sản xuất phân lân, giá bán thành phẩm có dư địa giảm 0,87%, do được khấu trừ thuế VAT đầu vào 7,7%.
Cũng theo bà Thuỷ, với những doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, giá bán sản phẩm có thể tăng 5%, do thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm phân bón đang áp dụng ở mức 0% nên sẽ không có thuế đầu vào để khấu trừ.
Phân tích định lượng đối với Nhà nước, bà Thuỷ cho biết nếu thuế áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng, khấu trừ thuế VAT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.
Đối với bên sử sử dụng phân bón, chủ yếu là nông dân trồng trọt, giá Urê, DAP và Lân sản xuất trong nước có thể giảm, giá NPK có thể tăng không đáng kể, hoặc giữ nguyên. Trong khi đó, giá Urê, DAP, NPK nhập khẩu có thể tăng.
“Như vậy, phân bón sản xuất trong nước sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các sản phẩm nhập khẩu”, bà Thuỷ nói.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh nội dung này, một số chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ cần xem xét sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về thuế suất thuế xuất khẩu phân bón theo nguyên tắc: Áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.