VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I, phương hướng, nhiệm vụ quý II/2019.
Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) và khắc phục ùn tắc giao thông trong quý II/2019 và thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm ATGT 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy” và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 25/TB-VPCP ngày 19/01/2019 về triển khai giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong thời gian tới.
Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác kiểm tra phương án bảo đảm TTATGT tại các địa phương có các Lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách tham dự lễ hội; công tác quản lý vận tải và ATGT; kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT theo chuyên đề tại các địa phương có TNGT tăng trong quý I; kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, các cơ sở đăng kiểm.
Tổ chức hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ lần thứ 5 năm 2019 của Liên Hợp quốc phát động, với chủ đề "Quản lý và thực thi pháp luật về ATGT" từ ngày 06-12/5/2019 (hoàn thiện và thực thi một số quy định pháp luật liên quan tới thắt dây an toàn, không sử dụng điện thoại khi lái xe).
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại các trạm thu phí BOT trên đường bộ; phối hợp với các bộ, ngành để ban hành quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại các đầu mối hàng hóa, kho, bãi, bến cảng trên toàn quốc; chia sẻ dữ liệu cho lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông vận tải để xử lý vi phạm; chỉ đạo Thanh tra Bộ và các Sở Giao thông vận tải sử dụng thông tin về bằng lái xe vi phạm bị tạm giữ tại cơ quan Công an để kiểm tra nhằm phát hiện những trường hợp xin cấp lại giấy phép lái xe trong thời gian bị tạm giữ do vi phạm để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; xử lý và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động cấp giấy phép lái xe.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực: Kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ; điều kiện kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải; đăng kiểm phương tiện; đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, công tác quản lý, bảo trì công trình đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, hàng không.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 23/01/2019
13:08, 20/04/2019
05:00, 14/02/2019
07:00, 12/11/2018
06:02, 13/10/2018
Xử lý việc làm giả giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe
Bộ Công an xây dựng Quy chế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm TTATGT. Rà soát, sửa đổi, ký kết và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế, kế hoạch phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an trong công tác bảo đảm TTATGT.
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường các hoạt động bảo đảm TTATGT, đặc biệt là nâng cao hiệu quả tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT (nhất là vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ...); tăng cường công tác quản lý nghiệp vụ; kiểm tra phòng ngừa sai phạm trong hoạt động tuần tra kiểm soát và một số lĩnh vực của lực lượng Cảnh sát giao thông. Triển khai giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực trong tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương kịp thời thông báo danh sách lái xe ô tô bị thu giữ giấy phép lái xe cho các cơ quan, đơn vị của ngành Giao thông vận tải để phục vụ công tác cấp lại giấy phép lái xe; lập chuyên án điều tra và xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả giấy khám sức khoẻ cho người học lái xe, làm giả giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và khám sức khoẻ cho người học lái xe.
Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị của Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với lực lượng của ngành Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương thực hiện công tác xét nghiệm ma tuý, chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; tổ chức tổng kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp với ngành Giao thông vận tải tổ chức thực hiện nghiêm công tác khám sức khoẻ định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm ma tuý đối với toàn bộ lái xe được khám sức khoẻ.
Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc thực hiện kiểm tra chất ma tuý và nồng độ cồn đối với toàn bộ nạn nhân cấp cứu do TNGT, hàng tháng báo cáo số lượng và danh sách nạn nhân vào cấp cứu do TNGT và tình hình vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý của nạn nhân về Sở Y tế tỉnh, thành phố để tổng hợp, báo cáo Ban ATGT cùng cấp.
Kiểm tra, xử lý người vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa; sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen về TNGT, chú trọng sơn vạch tim đường, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường sắt.
Chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, kế hoạch Năm ATGT 2019 của địa phương và các kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự và ATGT trên địa bàn; ưu tiên kiểm tra, xử lý người có hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe và vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm TTATGT, kết nối, khai thác dữ liệu từ các hệ thống camera giám sát của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT; khai thác dữ liệu giám sát hành trình từ Tổng cục đường bộ Việt Nam để giám sát và quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải.
UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ để khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải và kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện đối với xe mô tô, xe gắn máy; quản lý nghiêm việc thực hiện quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị, đánh giá tác động giao thông trước khi phê duyệt dự án đầu tư công trình xây dựng lớn trong khu vực nội đô; tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, xây dựng phương án phân luồng và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm, đầu mối giao thông chính, đoạn tuyến có công trình đang thi công trên đường hiện hữu; thiết lập lại và duy trì trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, ưu tiên sử dụng vỉa hè cho người đi bộ, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động đường thông, hè thoáng đến cấp phường, thị trấn; xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch và xây dựng đô thị gây mất TTATGT, ùn tắc giao thông.