Qua đánh giá cho thấy, hiện trạng đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh đã bị xuống cấp, hết tuổi thọ thiết kế…
Do vậy, để đảm bảo khai thác an toàn, bền vững và lâu dài, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không Quốc tế Vinh. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án là 745 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Chi hơn 700 tỷ đồng đầu tư
Mới đây, ACV đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận phương án cải tạo, sửa chữa và danh mục chuẩn bị đầu tư Dự án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh - tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, nhằm đảm bảo năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Vinh theo đúng quy hoạch đề ra trước đó, ACV kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND tỉnh Nghệ An nghiên cứu phương án đầu tư, bao gồm: Công tác giải phóng mặt bằng theo ranh giới quy hoạch được duyệt để xây dựng bố trí hệ thống đèn tiếp cận CAT1, bổ sung kích thước dải bay, hệ thống hàng rào an ninh… theo quy định.
>>Nghệ An: Sân bay Vinh gặp sự cố, hàng chục chuyến bay phải tạm hoãn
ACV cũng đề xuất nghiên cứu tận dụng hệ thống đèn tiếp cận thu hồi từ Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho Dự án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh - Nghệ An.
Lý giải cho việc cải tạo, sửa chữa, ACV cho biết: Từ năm 2017 đến nay, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Vinh chỉ được duy tu bảo trì để đảm bảo yêu cầu điều kiện về an toàn khai thác, chưa được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tổng thể.
Qua công tác báo cáo kết quả kiểm định, đánh giá hiện trạng của đơn vị tư vấn là Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC cũng cho thấy, hiện đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh đã bị xuống cấp, hết tuổi thọ thiết kế.
Đặc biệt, mặt đường bê tông nhựa đã xuất hiện các loại hư hỏng, điển hình như: Bề mặt bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe; nứt dọc, nứt rạn chân chim; bong bật cốt liệu bê tông nhựa… theo vệt lăn càng trước và càng sau của máy bay, ảnh hưởng đến an toàn khai thác.
Bởi vậy, nhằm đảm bảo khai thác an toàn, bền vững, lâu dài, nâng cao năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Vinh có thể tiếp nhận được các máy bay mới hiện đại như A320/A321 đầy tải, ACV đề nghị cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn hiện hữu; xây dựng dải hãm phanh hai đầu đường cất hạ cánh và một số hạng mục khác.
>>Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Không chuyển người dân vào khu tái định cư sân bay Long Thành
Trong đó, đường cất hạ cánh được đề xuất sử dụng giải pháp kết cấu mặt đường là bê tông xi măng lưới thép để khắc phục triệt để sự hư hỏng xuống cấp, kéo dài tuổi thọ và hạn chế các điều kiện bất lợi của thời tiết.
Theo tính toán, dự kiến tổng mức đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh là 745 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Do thời gian thi công dự án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh - Nghệ An cần khoảng 4 tháng nên để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân, do vậy, ACV kiến nghị thời gian đóng cửa sân bay để thi công sau cao điểm Tết Nguyên đán năm 2025 và kết thúc thi công trước cao điểm hè năm 2025.
Nâng cao năng lực khai thác
Trước đó, vào cuối tháng 2/2024 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng, cải tạo sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Vinh với tổng mức đầu tư hơn 233,6 tỷ đồng.
Theo quyết định, dự án được thực hiện trên diện tích sử dụng đất hơn 5,97 ha thuộc địa phận xã Nghi Liên, TP Vinh và giao cho ACV làm nhà đầu tư. Nguồn kinh phí trên sẽ tập trung vào các hạng mục là cải tạo, mở rộng sân đậu máy bay để nâng tổng số vị trí đậu máy bay từ 6 lên 9, thời gian thực hiện trong 12 tháng.
>>Nhà ga T3 - Sân bay Tân Sơn Nhất và cuộc đua tiến độ của các nhà thầu
Đại diện lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Vinh cho biết, ACV sẽ lập kế hoạch triển khai, cố gắng hoàn thành các thủ tục và khởi công trong năm nay sau khi nhận được quyết định trên. Dự kiến đến hết quý 2/2024 sẽ tiến hành khởi công xây dựng dự án.
Cũng qua tìm hiểu được biết, trong “phác đồ” quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, Cảng hàng không quốc tế Vinh sẽ có quy mô, cấp sân bay là 4E với tổng diện tích hơn 557ha; công suất thiết kế dự kiến lên đến 8 triệu hành khách/năm, lớn thứ 6/14 cảng hàng không quốc tế của Việt Nam.
Định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Vinh có công suất thiết kế dự kiến đón được 14 triệu hành khách/năm, đứng sau các Cảng hàng không quốc tế: Nội Bài (100 triệu hành khách/năm), Long Thành (100 triệu hành khách/năm). Tân Sơn Nhật (50 triệu hành khách/năm), Cam Ranh (36 triệu hành khách/năm), Đà Nẵng (30 triệu hành khách/năm), Chu Lai (30 triệu hành khách/năm), Vân Đồn (20 triệu hành khách/năm), Phú Quốc (18 triệu hành khách/năm).
Ước tính chi phí đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vinh theo quy hoạch giai đoạn này là 8.905 tỷ đồng.
Theo đánh giá chung của cơ quan chuyên môn, hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Vinh là cảng hàng không cấp 4E theo quy định ICAO, 6 hãng hàng không đang khai thác 9 đường bay, với tần suất bình quân 26 - 28 chuyến bay/ngày (tương ứng với 52 - 56 lượt cất, hạ cánh/ngày). Lượng hành khách thông qua cảng năm 2022 đạt 2,6 triệu hành khách, đã quá tải so với công suất hiện nay…
Có thể bạn quan tâm
Thấy gì khi IIP Nghệ An tăng trưởng mức 2 con số?
12:27, 02/06/2024
Nghệ An - Sẵn sàng cất cánh
09:40, 05/06/2024
Có cơ chế đặc thù, Nghệ An cần tăng thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh
00:06, 31/05/2024
Nhiều dự án giao thông ở Nghệ An “ì ạch”, vì sao?
20:19, 29/05/2024
Những “điểm nghẽn” cản bước du lịch biển Nghệ An
02:00, 29/05/2024