Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng sinh khối, nhưng thực tế, nguồn năng lượng này chưa đóng góp được bao nhiêu trong cơ cấu nguồn điện.
Nhiều điều kiện thuận lợi
Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng mạnh. Theo thống kê, sản lượng điện của Việt Nam đã tăng gấp 20 lần kể từ năm 1990, từ 8,6 tỉ kWh (năm 1990) lên tới 198 tỉ kWh (năm 2017). Tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện ở mức 9-13%/năm, gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP.
Trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào giá năng lượng thế giới, năng lượng sinh khối (NLSK) là một trong những giải pháp để giải quyết bài toán về điện năng. Theo thống kê, NLSK chiếm từ 14-15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Ở các nước đang phát triển, NLSK chiếm khoảng 35% trong tổng cung cấp năng lượng.
Theo các chuyên gia về năng lượng, điện sinh khối được tạo ra từ nguồn nguyên liệu sinh khối (biomass). Trong tự nhiên, nguồn nguyên liệu sinh khối là tất cả các loại thực vật, cây trồng công nghiệp, tảo, hoặc những “đồ bỏ” của sản phẩm nông - lâm nghiệp. Cũng vì thế, Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển NLSK.
Cụ thể, Việt Nam là nước nông nghiệp lâu đời, nguồn nguyên liệu sản xuất NLSK khoảng 118 triệu tấn/năm, bao gồm khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 6 triệu tấn bã mía và trên 50 triệu tấn vỏ cà phê, vỏ đậu, phế thải gỗ...
Còn theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tiềm năng sinh khối gỗ năng lượng lên đến gần 25 triệu tấn, tương đương với 8,8 triệu tấn dầu thô. Riêng tiềm năng NLSK phụ phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm, rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô. Ðặc biệt nguồn năng lượng này sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm.
Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E)/EVEF, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn về sinh khối, có thể khai thác để sản xuất năng lượng, đặc biệt là sản xuất điện.
Vì sao khó?
Việt Nam có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển NLSK. Tuy nhiên, tổng công suất lắp đặt các nguồn điện sinh khối tương đối thấp, chỉ khoảng 325 MW, chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong cơ cấu nguồn điện ở nước ta và hầu hết là dạng đồng phát nhiệt - điện trong các nhà máy đường.
Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho rằng hiện nay một số nhà máy đường đã sử dụng bã mía để phát điện nhưng chỉ bán được với giá hơn 800 đồng/kWh (4 cent/kWh) nên chưa khuyến khích được nhà đầu tư.
Còn theo ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc Trung tâm Công nghệ khí sinh học (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) NLSK vẫn tồn tại một số nhược điểm như phân bố không tập trung, nhiệt trị thấp, khối lượng riêng nhỏ nên rất phức tạp khi vận chuyển và chứa trữ. Cũng vì thế, khó hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho rằng, NLSK ở Việt Nam chưa phát triển do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đó là sự cạnh tranh về nhu cầu nguyên liệu sinh khối. Ví như rơm rạ còn làm thức ăn cho trâu bò; giấy phế liệu có thể tái chế, gỗ phế liệu và mùn cưa có thể làm gỗ ép. Ngô, khoai, sắn để sản xuất etanol,…
Thứ hai, đó là sự cạnh tranh về chi phí của các công nghệ. Thực tế hiện nay, nhiều công nghệ sinh khối còn đắt hơn công nghệ truyền thống sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Trong khi đó, Việt Nam còn là một nước nghèo nên thiếu kinh phí đầu tư phát triển công nghệ mới là một rào cản rất lớn.
Thứ ba, khi đốt, các nguồn sinh khối phát thải vào không khí bụi và khí sunfurơ (SO2) có thể gây ô nhiễm môi trường. Nếu sản xuất năng lượng từ gỗ có thể gây thêm áp lực cho rừng nên cơ quan chức năng cũng còn cân nhắc. Đặc biệt, hiện nay xã hội cũng có cái nhìn chưa thiện cảm với NLSK. Cũng vì thế, khi nói tới năng lượng người ta chỉ nghĩ tới điện, than, dầu khí; hầu như không có các doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực NLSK. Người ứng dụng các công nghệ mới cũng gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, tìm kiếm dịch vụ hậu mãi.
Theo nhiều chuyên gia, để phát triển NLSK nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung, theo các chuyên gia nhà nước cần có chiến lược cụ thể; huy động vốn đầu tư từ các nguồn nhà nước, tư nhân, quốc tế để nghiên cứu triển khai và phát triển NLSK.
Ngoài ra, cần cải tiến công nghệ như sấy và phát điện dung sinh khối, khí sinh học. Đặc biệt với tỷ lệ sinh khối sử dụng trong đun nấu hiện lớn nhất, nên việc xây dựng một dự án quốc gia về bếp cải tiến sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 08/2020/QĐ-TTg, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 trước đó về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.
Trong đó, giá điện cho các dự án sinh khối đồng phát nhiệt - điện là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScents/kWh; giá điện cho các loại dự án sinh khối khác là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScents/kWh. Giá mua điện nói trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Có thể bạn quan tâm