Phát triển thị trường logistics không chỉ góp phần nâng cao năng lực, gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics mà còn cho chính doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đối với lĩnh vực dịch vụ logistics, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi các quy trình, mô hình và hoạt động logistics nhằm nâng cao hiệu quả, tính linh hoạt và khả năng ứng phó của chuỗi cung ứng.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Phó TGĐ Công ty Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog với DĐDN.
- Là doanh nghiệp tiên phong phát triển các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động vận hành logistics, bà có nhận định ra sao về bức tranh thực trạng của chuyển đổi số ngành logistics tại Việt Nam?
Chuyển đổi số trong logistics có thể được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, từ việc triển khai các giải pháp công nghệ đơn lẻ hoặc giải pháp toàn diện cho đến việc xây dựng các mô hình logistics hoàn toàn mới dựa trên công nghệ số nhằm tạo ra những giá trị mới, cơ hội mới và nguồn doanh thu mới.
Tại Việt Nam, mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành logistics để nâng cao hiệu suất, cải thiện chất lượng, đồng thời đảm bảo hiệu quả của chuỗi cung ứng nhưng các doanh nghiệp của chúng ta hiện nay còn lúng túng trong việc áp dụng mô hình này.
Cụ thể như, việc thị trường có quá nhiều phần mềm số hóa, không tạo ra hệ sinh thái sẽ khiến ngành logistics phân mảnh, rời rạc, thiếu sự liên kết sâu và rộng. Cùng với đó, tiềm lực tài chính là một trong những thách thức trong chuyển đổi số logistics tại Việt Nam hiện nay khi phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế.
Do đó, thách thức đặt ra hiện nay là chúng ta cần những giải pháp từ các doanh nghiệp có sự đầu tư nghiên cứu, hiểu sát về cách thức vận hành của ngành, “hiểu nỗi đau” của ngành để đưa ra sản phẩm, nền tảng số tối ưu nhất.
- Chắc hẳn trong quá trình song hành cùng các doanh nghiệp logistics phát triển, để các sản phẩm số có thể liên tục được nâng cấp cải thiện, làm hài lòng khách hàng là không dễ, thưa bà?
Chắc chắn rồi, khó khăn thử thách là bài học để chúng tôi ngày càng nỗ lực nghiên cứu và đổi mới. Logistics là ngành có tính liên kết rất cao, nghĩa là mỗi doanh nghiệp không thể tự vận hành mà không có sự kết nối với đối tác và khách hàng, tuy nhiên khó khăn nằm ở chỗ các doanh nghiệp lại đang tự định nghĩa các tiêu chuẩn vận hành khác nhau, do đó dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.
Smartlog cung cấp một hệ sinh thái đầu cuối và hoàn chỉnh cho ngành logistics, từ đầu vào đến đầu ra của chuỗi cung ứng. Từ đó giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân sự vận hành qua chuyển đổi số nhờ ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin.
Vì còn hạn chế trong việc đồng bộ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào logistics, mỗi doanh nghiệp logistics đòi hỏi chúng tôi phải đưa ra giải pháp mang tính đặc thù, chú trọng vào từng công đoạn ưu tiên và dựa theo mô hình của từng doanh nghiệp. Như vậy, các sản phẩm số hóa này gặp khó khăn trong việc tối ưu chi phí triển khai và lãng phí tài nguyên và đồng thời làm cho quá trình kết nối vận hành giữa các doanh nghiệp và trong nội bộ doanh nghiệp trở lên tốn kém và thiếu đồng bộ.
Do đó, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xây dựng sản phẩm tối ưu về giải pháp và chi phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, chúng tôi đang phải nỗ lực thuyết phục các doanh nghiệp hướng các tiêu chuẩn chung tốt nhất của từng ngành hoạt động để từ đó tăng cường hiệu quả triển khai, giảm lãng phí và dọn dẹp sự phân mảnh trong hệ sính thái logistics.
- Bà có kiến nghị để ngày càng nâng cấp thị trường số hóa logistics Việt. Kỳ vọng phát triển thị trường logistics trong thời gian tới, thưa bà?
Số hóa không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn mà chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất – xuất khẩu như da giày, may mặc có thể tiếp cận và áp dụng số hóa trong các hoạt động quản lý kho bãi, vận hành,...để ngày càng tối ưu chi phí và hoạt động.
Do đó, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp logistics trong nước phải liên kết để tạo sức mạnh cộng hưởng mới có thể vượt qua thách thức cạnh tranh với các đối thủ logistics quốc tế, nắm bắt tốt cơ hội của quá trình hội nhập quốc tế. Cụ thể, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm... Hình thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng; có khả năng làm giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.
Quan trọng hơn cả, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng về mặt logistics, cần được thúc đẩy để sớm ra đời các bộ tiêu chuẩn vận hành và kết nối, điều mà vô cùng thách thức hiện nay. Trong khi đó trên thế giới họ đã sớm làm điều này rất lâu, thông qua các bộ tiêu chuẩn như SCOR, ECR,.. và giúp quá trình hợp tác và trao đổi dữ liệu cực kỳ thông suốt và hiệu quả.
Chiến lược của Smartlog đó là trở thành nền tảng và hệ sinh thái tích hợp hóa đầu tiên cho hoạt động vận hành logistics với độ bao phủ lớn nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Do đó, kỳ vọng trong những năm tới, có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái giúp ngành logistics Việt Nam trở nên hiệu quả, hiện đại và cạnh tranh hơn tại thị trường Việt Nam và thế giới.
- Trân trọng cảm ơn bà!