Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Xây dựng kho dự trữ xăng dầu đủ lớn, nâng cao công tác dự báo và thiết lập khung khổ pháp lý trên thị trường phái sinh, là những giải pháp nhằm ứng phó với sự biến động mạnh của giá dầu trong năm nay.
>>Giá dầu thô lập đỉnh, nên mừng hay lo?
Giá dầu có thể chạm mức 3 con số
Đánh giá về triển vọng giá xăng dầu năm 2022 và đưa ra những giải pháp đối phó với vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia cao cấp Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, năm 2022, giá nhiên liệu sẽ rất cao và có lâm vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu hay không thì còn khó đánh giá. “Về phía những người nghiên cứu trong lĩnh vực dầu khí cũng có những mô hình đánh giá rất cụ thể, dựa trên các công cụ học máy, trí tuệ nhân tạo để đưa ra các phần mềm dự báo kết quả, từ đó cho thấy, giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 3 con số, nghĩa là sẽ có thời điểm giá dầu vượt mức 100 USD/thùng”.
Theo vị chuyên gia, việc dự trữ dầu thô sẽ sụt giảm rất nhanh, mà bản chất hiện nay, dự trữ dầu thô tại Mỹ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm ở mức hơn 500 triệu thùng một ngày. Trong khi đó, việc đầu tư cho lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò hay khai thác dầu khí có gặp khó khăn hay không cũng chưa thể được dự báo chính xác. Nhưng giá dầu trong năm 2022 sẽ tăng khá cao, rất có thể là ngay trong giai đoạn quý 1 và đầu quý 2, khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, cùng với các vấn đề liên quan đến việc dự trữ dầu thô tại các kho của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU có thể giảm sâu, mà chưa bổ sung nguồn cung mới.
“Chúng tôi cho rằng, giai đoạn nửa đầu năm, giá dầu thô có thể ở mức trên 80USD/thùng, đến giai đoạn sau của năm 2022 thì có thể giá dầu sẽ ở mức ổn định hơn, khi các nền kinh tế đã không chế được dịch bệnh tương đối thành công, các vấn đề liên quan đến logistics được đảm bảo, cũng như các nền kinh tế bắt đầu có các chính sách liên quan đến tài khoá thực chất hơn và dòng chảy tiền tệ được luân chuyển một cách hợp lý giữa các nền kinh tế, thì việc đó rất có thể khiến giá dầu rơi vào khoảng 78USD/thùng hoặc cao hơn một chút”, ông Nguyễn Tiến Quyết dự báo.
>>Bộ Công Thương họp khẩn làm rõ nguyên nhân xăng dầu khan hiếm
Giải pháp ứng phó
Có thể thấy, Việt Nam là nước vừa xuất khẩu nhưng cũng vừa nhập khẩu dầu khô, câu hỏi đặt ra là Việt Nam đang đứng trước nguy cơ gì và phải chuẩn bị ra sao để thích ứng với dự báo giá dầu sẽ tăng trong năm 2022? Về vấn đề này, TS. Lê Thị Thúy Vân, Phó viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính đánh gía, giá xăng dầu thế giới tăng sẽ có ảnh hưởng đến chi phí đầu vào nguyên liệu nhập khẩu trong nước, bởi vì ở Việt Nam, trong tổng chi phí nguyên vật liệu của nền kinh tế, thì nhập khẩu chiếm đến 40%. Chi phí này cũng làm đẩy giá thành ở các khâu lưu thông do đó từ sản xuất đến tiêu dùng và tổng thể các khâu của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chịu ảnh hưởng theo.
Còn theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, với sự tăng giá xăng dầu thế giới trong năm 2022 khiến việc kiểm soát lạm phát tại Việt Nam trở thành một thách thức cần lưu ý, nhất là trong bối cảnh các gói tài chính hỗ trợ phục hồi kinh tế đã và sẽ triển khai.
“Trên cơ sở nắm bắt diễn biến tình hình chính trị, xăng dầu thế giới, Bộ Công thương nên kiến nghị với Chính phủ là phải có một kho dự trữ đủ lớn, để giá xăng dầu trong nước không bị ảnh hưởng trước sự biến động quá lớn. Chẳng hạn như Mỹ, họ có kho dự trữ rất lớn, khi kho này sụt giảm cũng làm cho giá xăng dầu thế giới thay đổi đáng kể”, TS. Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị.
Đưa ra quan điểm của mình, ông Nguyễn Tiến Quyết khẳng định, từ trước đến nay, việc giải bài toán thích ứng với giá dầu tăng - giảm luôn luôn là một bài toán rất khó. Nhưng với quan điểm của những người nghiên cứu và đánh giá thị trường dầu trong giai đoạn rất dài, ông Quyết cho rằng, Việt Nam cần phải có các giải pháp như sau:
Thứ nhất, chúng ta đã có vấn đề dự trữ quốc gia về dầu mỏ và các sản phẩm thì phải thực hiện việc dự trữ một cách rất triệt để. Cụ thể, để tận dụng trong những giai đoạn mà giá dầu cao thì có thể học tập các nước lớn trên thế giới là bán dầu từ kho dự trữ chiến lược, hoặc dự trữ thương mại để bình ổn thị trường, tăng thu ngân sách, đảm bảo điều tiết thị trường. Hoặc trong những điều kiện thị trường biến động giảm, chúng ta có thể mua vào để gia tăng tích trữ, xây dựng các bài toán về kinh tế, đảm bảo hiệu quả tối ưu.
Thứ hai, đó là phải nâng cao hơn nữa công tác dự báo. Đơn cử như trong năm 2021, giá dầu tăng cao tới 50%, nhưng có những lúc chúng ta không thể bám sát được ngay vì diễn biến thị trường thay đổi rất nhanh. Nhưng nếu trong một khoảng thời gian dài, thì có những công cụ dự báo hiệu quả như áp dụng trí tuệ nhân tạo, phần mềm hiện đại để đưa vào dự báo, sẽ đưa ra những kết quả dự báo giá dầu tương đối chính xác. Điều đó giúp các cơ quan thuận lợi trong việc lập kế hoạch hiệu quả hơn, đảm bảo được việc xây dựng được các phương án phân bổ về nguồn vốn, cũng như từ ngân sách một cách hợp lý và hài hòa.
Thứ ba, có một hoạt động mà chúng ta cũng đang thực hiện từ trước đến nay, nhưng đến giai đoạn này có thể quan tâm hơn nữa đó là đối với thị trường dầu thô, mới giao dịch vật chất chứ chưa có thị trường tương lai, thị trường phái sinh. Trong khi đó là những công cụ rất hiện đại, cần thiết phải xây dựng những chế tài, quy định cụ thể hoặc có những bước đi, để làm sao thị trường tương lai, phái sinh đối với các sản phẩm dầu thô hay các sản phẩm năng lượng khác có thể được áp dụng thực hiện. Qua đó có thể tăng cường hơn nữa về chất lượng trong việc mua bán dầu hoặc quản lý rủi ro đối với lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm
16:31, 10/02/2022
10:58, 10/02/2022
22:12, 09/02/2022
01:29, 09/02/2022