Việc kéo dài giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024 không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả cần có thêm Nghị định hướng dẫn chi tiết…
>>Thuế VAT cho phân bón: Áp mức 5% hay 0%?
Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72 quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội. Cụ thể, sẽ tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Việc giảm 2% thuế suất thuế VAT sẽ được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nghị định cũng quy định cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ năm 2022, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến nay, nước ta chính thức có 4 lần giảm thuế VAT. Qua 3 lần giảm trước đó, chính sách này được đánh giá cao, đem lại hiệu quả tức thì, tác động trực tiếp cho nền kinh tế.
Đánh giá về chính sách này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp.
“Trong đó, tôi đánh giá cao chính sách về miễn giảm thuế VAT 2% đã thực hiện từ năm 2022 và sẽ tiếp tục kéo dài tới hết năm 2024. Chính sách giúp không chỉ doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi, bởi việc giảm thuế sẽ giúp tăng sức mua trong dân, từ đó doanh nghiệp tăng lượng hàng bán ra, quay trở lại đóng góp cho ngân sách Nhà nước”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
>>Có nên đánh thuế VAT hàng nhập giá trị nhỏ?
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc áp dụng giảm thuế VAT là hết sức cần thiết cho người dân, doanh nghiệp. Ông Thịnh cho rằng, đây là động thái tích cực giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bởi giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm chi phí trực tiếp cho người mua hàng, việc được giảm thuế sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.
“Bên cạnh đó, việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… cũng giúp chi phí đầu vào sản xuất giảm, doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, bên cạnh đánh giá tích cực kỳ vọng vào chính sách này, nhiều ý kiến chuyên gia cũng bày tỏ lắng về những khó khăn trong quá trình thực thi. Bởi thực tế, mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định (Nghị định 15/2022/NĐ-CP và Nghị định 44/2023/NĐ-CP) để hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai doanh nghiệp vẫn lúng túng.
Trước đó, trong góp ý về việc xin ý kiến xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, doanh nghiệp vẫn khó xác định thuế suất 8% hay 10% đối với hàng hóa, gây nhiều chi phí xã hội và tăng rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.
VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả, nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.
Vì vậy, VCCI cho rằng, để chính sách giảm thuế VAT đạt được hiệu quả cao nhất, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm có thêm Nghị định và các văn bản hướng dẫn chi tiết.
Có thể bạn quan tâm