Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị cần sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ; đồng thời có cơ chế đặc biệt cho ngân hàng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp...
Trao đổi tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Việt Nam đã phải trả qua 2 năm đầy khó khăn của dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới nền kinh tế, chính trị xã hội.
Trong ngành ngân hàng, ngay khi dịch bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành yêu cầu các tổ chức tín dụng tạm thời chưa chuyển nhóm nợ. Sau đó là ban hành chính thức Thông tư 01/2020/TT-NHNH về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Đến nay thông tư đã thay đổi tới lần thứ 3, mới đây nhất là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01. Điều đó cho thấy ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng là tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng”, ông Hùng chia sẻ.
Đồng thời đảm bảo hệ thống, đảm bảo vấn đề thanh khoản, chuyển đổi số, thanh toán thông suốt an toàn… Cùng với đó đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng cho quỹ vaccine phòng chống Covid-19.
“Các hoạt động hỗ trợ hiện nay ngành ngân hàng đang làm, bản chất là doanh nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm lãi giảm phí”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng trao đổi.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư là cơ sở để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cho các khách hàng doanh nghiệp… Kết quả đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi cho các doanh nghiệp được khoảng 32.000 tỷ đồng. Đã có 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng được hỗ trợ với dư nợ lũy kế từ 2020 đến cuối tháng 9/ 2021 là 5,2 triệu tỷ đồng.
Riêng thời gian thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ các doanh nghiệp đã giảm được 12.600 tỷ đồng, giảm từ tháng 7 đến nay. Chưa kể 4.000 tỷ đồng là 4 ngân hàng đã cam kết sẽ tiếp tục giảm trong đợt dịch lần thứ 4. Cùng với đó là 1.800 tỷ đồng là giảm phí cho các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện gói vay ưu đãi 0%, tuy nhiên doanh nghiệp tiếp cận còn thấp. Số doanh nghiệp được cơ cấu nợ còn thấp trong số doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Các tổ chức tín dụng phải loại rủi ro cho các doanh nghiệp khi được cơ cấu nợ, cùng với đó phải trích dự phòng rủi ro 30% ngay từ đầu năm 2021, do đó, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng gây khó cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
“Tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid đã được cơ cấu nợ, đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn việc xem xét cho vay mới là khó khăn với các tổ chức tín dụng. Trong điều kiện chuẩn cho vay không hạ, các tổ chức tín dụng đang cho các doanh nghiệp cho vay giữa bối cảnh hết sức đặc biệt khi doanh nghiệp doanh thu giảm, chưa biết lãi hay lỗ, tài sản đảm bảo thiếu… Cần cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp!”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời ông nhận định, dư địa của các tổ chức tín dụng hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. Thực tế người dân gửi tiền vào ngân hàng đang có sự sụt giảm. Có thể thấy người dân sẽ đầu tư vào các kênh khác và các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn trong huy động vốn.
“Trong khi đó, các tổ chức tín dụng phải cơ cấu nợ, giảm lãi vay, giảm phí cho các doanh nghiệp… vòng quay đồng tiền khó khăn hơn, tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng bị ảnh hưởng nếu không linh hoạt. Vì vậy nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì phải đi cùng giảm lãi suất huy động. Nhưng nếu giảm lãi suất huy động thì ảnh hưởng tới tính thanh khoản … các tổ chức tín dụng đã hết dư địa, hoặc còn rất nhỏ", ông Hùng một lần nữa cho biết khó khăn nhìn ở góc độ ngân hàng.
Về giảm phí, hiện một số tổ chức tín dụng có mức phí cao, do đó, Hiệp hội ngân hàng sẽ kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay và giảm phí cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về tổng thể, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cần chính sách đồng bộ cũng như rấy cần sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, ông cho rằng hiện chính sách tài khoá miễn giảm thuế 30% thuế TNDN với doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng thì các tổ chức tín dụng không được hưởng. "Vấn đề là chính sách tài khoá phải vào cuộc, chính sách tiền tệ hiện bằng tiền thật của các tổ chức tín dụng, nhưng tổ chức tín dụng cũng đã hết dư địa, do đó, phải tháo gỡ", Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng chia sẻ.
"Cần chính sách tài khoá bằng tiền thật cho doanh nghiệp, nhiều quốc gia cũng hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách phải tạo nguồn thu cho doanh nghiệp", ông nói thêm và cũng đặt vấn đề về quỹ bảo lãnh Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh, hiện có tỉnh có tỉnh không; Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT vốn điều lệ 2.000 tỷ nhưng hoạt động như thế nào không rõ (?).
Ông Hùng đề xuất các giải pháp để mở rộng hỗ trợ từ phía tài khóa như Chính phủ tăng "vay tiền" ngân hàng trung ương, Chính phủ phát hành trái phiếu qua đó có nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đặc biệt nhấn mạnh, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng là các doanh nghiệp, do đó, mong các doanh nghiệp cùng đồng hành chia sẻ khó khăn lẫn nhau.
Có thể bạn quan tâm
14:32, 27/10/2021
13:00, 27/10/2021
15:47, 27/10/2021