Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam: Không nên tiếp tục đếm F0

TUẤN VỸ 27/02/2022 09:08

Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, thời gian tới không nên tiếp tục đếm F0 bởi lẽ khó có thể ước lượng được số F0 một cách chính xác.

>>Ngày của "chiến binh áo trắng", hy vọng bình minh sớm trở lại

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày nhà thuốc Việt Nam 27/2, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam về những công tác của ngành Y tế địa phương trong những năm qua. Được biết, ngành y tế Quảng Nam cũng đang có những nỗ lực phấn đấu để triển khai công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống cho lực lượng nhân viên y tế, đảm bảo đời sống cho lực lượng này.

TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam.

TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam.

- Thưa ông, những năm qua đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của địa phương cũng như trên cả nước, trong đó đặc biệt là ngành y tế luôn trong tình trạng “báo động” bởi các ca bệnh. Xin ông cho biết những tác động dịch bệnh đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân viên y tế tại Quảng Nam trong suốt thời gian qua?

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, thách thức hệ thống y tế, đe dọa và làm đảo ngược thành tựu y tế toàn cầu. Đất nước Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Nam đã trải qua hoàn cảnh rất khó khăn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta rất nguy hiểm, tiếp theo là biến chủng Omicron lây lan nhiều hơn, nhanh hơn tăng nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

Trong khi đó, hệ thống y tế tỉnh nhà còn nhiều hạn chế, khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh nghiệm chống dịch và vật lực y tế. Không những hệ thống y tế bị ảnh hưởng mà đời sống của nhân viên y tế tại Quảng Nam cũng bị tác động tiêu cực khá nhiều trong suốt thời gian qua.

Theo khảo sát sơ bộ khoảng hơn 65% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19; khoảng 25% gặp phải những ảnh hưởng và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng, stress và trầm cảm, 30% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ. Khối lượng công việc nhiều hơn, nghỉ ngơi ít hơn, stress nhiều hơn, thu nhập giảm, đào tạo hạn chế, ít được chia sẻ, chăm sóc gia đình, thậm chí còn bị cộng đồng kỳ thị…

Ông Mai Văn Mười kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện.

Ông Mai Văn Mười kiểm tra công tác chuẩn bị thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện.

Không thể nói hết những cam go, khó khăn, khốc liệt trong công tác phòng chống dịch. Những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế trong việc giám sát, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, đặc biệt là của những y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân. Họ đã làm việc không kể thời gian, trắng đêm, xuyên Tết, gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào vùng dịch, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y như từ mẫu” để chữa bệnh, cứu người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

>>Trái tim lương y

- Có thể nói, COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, sụt giảm doanh thu của các cơ sở y tế, dẫn đến thu nhập của nhân viên y tế giảm trong khi áp lực công việc lại tăng lên. Vậy Ngành Y tế đã giải quyết vấn đề ra sao?

Để khắc phục những khó khăn do tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 đến công tác khám chữa bệnh, hụt giảm doanh thu của các cơ sở y tế, dẫn đến thu nhập của nhân viên y tế giảm trong khi áp lực công việc lại tăng lên lãnh đạo Sở Y tế rất quan tâm, thăm hỏi các đơn vị và chia sẻ với những khó khăn, áp lực trong thời gian qua và đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn như các chính sách hỗ trợ tạm thời lương, thu nhập đối với người lao động không có lương đang gặp khó khăn. Hướng dẫn thanh toán chi phí trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh theo nguyên tắc phát huy được vai trò của Quỹ Bảo hiểm y tế, giảm gánh nặng cho ngân Nhà nước, tạo thuận lợi cho cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo nghị quyết 12, quản lý thu-chi ngân sách đúng quy định, tiết kiệm để tăng thu nhập cho các đơn vị.

Giao Công đoàn ngành Y tế phối hợp công đoàn cơ sở quan tâm chế độ chính sách, quyền lợi người lao động từ nguồn tài chính của tổ chức công đoàn và kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ cho cán bộ, viên chức, đoàn viên công đoàn trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Hướng dẫn các đơn vị tiếp tục ổn định, củng cố và tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý, có chiến lược phát triển đơn vị phù hợp hơn trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp;

Về phía các đơn vị cần phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường. Chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi hoạt động khám, chữa bệnh thường quy song song với đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo các cấp độ dịch trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19.

>>Những chiến sĩ áo trắng trong trận chiến COVID-19

- Với việc F0 được điều trị tại nhà, thời gian gần đây, áp lực của nhân viên y tế ở cơ sở, cụ thể là ở các trạm y tế xã, phường ngày càng cao. Vậy, ngành Y tế Quảng Nam có giải pháp gì cho vấn đề này?

Năm 2021, Ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 151 Phương án Triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động và Quyết định số 3707 Phương án điều trị F0 tại nhà. Theo đón trạm y tế xã, phường, thị trấn và cán bộ y tế cơ sở là những người trực tiếp triển khai thực hiện; chính vì vậy áp lực lên y tế cơ sở là rất lớn.

Ngành y tế nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam.

Ngành y tế nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam.

Theo quy định mỗi TYT lưu động, tổ chăm sóc COVID-19 tại nhà là 5 người có đầy đủ các thành phần khác ngoài y tế nhưng thực tế chỉ mình cán bộ y tế thực hiện. Đồng thời, lực lượng y tế xã rất mỏng so với chức năng, nhiệm vụ đảm nhận và dịch bệnh rải rác nhiều nơi trong cộng đồng.

Ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch phân tầng điều trị để thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong đó, có phương án 3 BVĐK tuyến tỉnh đảm bảo điều trị tầng 2, tầng 3 và điều động nhân lực từ các bệnh viện ngoài công lập, bệnh viện chuyên khoa, TTYT huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ cho TYT xã để thực hiện tốt nhiệm vụ hoạt động TYT lưu động và quản lý, điều trị F0 tại nhà

- Bệnh viện Đa kha Quảng Nam là đơn vị nỗ lực nhất trong công tác điều trị, thu dung các bệnh nhân COVID-19 trong thời gian qua, vậy ông đánh giá như thế nào về các thành tích nổi bật của Bệnh viện Đa kha Quảng Nam trong thời gian qua?

Để có được những thành tích nổi bật, xây dựng bệnh viện vững mạnh toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; trước tiên phải kể đến là sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện, xây dựng đội ngũ thầy thuốc đi đôi với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Sự phát triển của Công đoàn cơ sở bệnh viện, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn gắn liền quá trình xây dựng, trưởng thành và lớn mạnh của bệnh viện. Đồng thời, có sự động viên, quan tâm hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế, các Sở ban ngành đoàn thể.

Thời gian tới với nhiều khó khăn và thử thách, BVĐKQN cần duy trì và phát triển tốt các kỹ thuật của BV, mở rộng quy mô, chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng bệnh viện theo hướng tiêu chuẩn và chất lượng lấy bệnh nhân làm trung tâm. Lấy hiệu quả làm thước đo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ y tế và môi trường làm việc lý tưởng, thúc đẩy nâng cao khoa học, tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Đồng thời, hướng đến hội nhập quốc tế và phát triển, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng nhu cầu cấp thiết của tuyến dưới, tranh thủ và mở rộng các nguồn lực hợp tác quốc tế. Muốn đạt được điều đó, đòi hỏi BV cần phát huy những thành tựu trong xây dựng và phát triển của bệnh viện, tiếp tục truyền thống đoàn kết và lòng quyết tâm cao của cán bộ, viên chức, bệnh viện sẽ đạt được những mục tiêu đề ra, tiếp tục ổn định và đi lên, xứng tầm là bệnh viện hạng 1, sánh vai cùng với các bệnh viện tiên tiến, hiện đại trong khu vực và trong nước.

- Đứng ở góc độ quản lý ngành y tế của một địa phương, ông có những đề xuất gì để công tác phòng, chống dịch thời gian tới được triển khai hiệu quả?

Hiện nay, khi chúng ta đã tiêm vắc xin gần như đầy đủ cho những người có chỉ định tiêm và trên cả nước đã trở lại trạng thái bình thường thì việc đếm số FO là không cần thiết, bởi lẽ chúng ta khó có thể ước lượng được số F0 một cách chính xác vì số lượng phụ thuộc vào chỉ định làm xét nghiệm của từng địa phương.

Số người được tiêm phòng vắc xin đầy đủ nếu là F0 thường không có triệu chứng hoặc nhẹ, tự khỏi sau 7-10 ngày, để lại miễn dịch tự nhiên.

Đa số các bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển đến đơn vị Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 là nhóm cao tuổi, mắc bệnh lý nền, chưa tiêm vắc xin, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ và chưa tiêm vắc xin. Chủ yếu là các bệnh nhân vừa cao tuổi, vừa mắc bệnh lý nền và chưa tiêm vắc xin.

Vậy việc chúng ta cần làm lúc này cần phải bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương: người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền (tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận mạn, suy tim, suy giảm miễn dịch, ung thư...), người chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19 (phụ nữ trong thời kỳ thai sản, trẻ em dưới 12 tuổi) bằng việc theo dõi sát sức khoẻ của họ, nếu họ là F0 thì điều trị tích cực ngay từ đầu khi bệnh trở nặng. Thực hiện tốt 5K để số F0 không tăng quá nhanh làm quá tải hệ thống y tế.

Người khoẻ mạnh, tiêm đủ liều vắc xin nếu là F0, không nên quá lo lắng và uống thuốc bừa bãi. Đầu tư cho y tế cơ sở để họ theo dõi, điều trị các ca bệnh nhẹ, phát hiện các ca bệnh nặng và chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt, cần quan tâm đến các đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch để làm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Có lẽ đây là việc quan trọng nhất trong chống dịch hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Bác sĩ và chuyên gia y tế khuyến cáo người dân dừng tích trữ và lạm dụng test nhanh

    Bác sĩ và chuyên gia y tế khuyến cáo người dân dừng tích trữ và lạm dụng test nhanh

    04:00, 26/02/2022

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

    11:10, 25/02/2022

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu

    04:05, 24/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam: Không nên tiếp tục đếm F0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO