Các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp sẽ phải tích cực chuyển đổi để nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư.
Mặc dù bức tranh kinh tế tổng thể vẫn còn nhiều gam máu xám, nhưng bất động sản Khu công nghiệp (BĐS KCN) được đánh giá là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh này.
Theo tôi nhận thấy, BĐS KCN vẫn là một thị trường tiềm năng và có mức tăng trưởng ổn định trong năm 2024, nhờ dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ mạnh về Việt Nam. Điều này cho thấy, làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam vẫn diễn ra rất mạnh mẽ.
Để tận dụng cơ hội tuyệt vời này, các công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp như chúng tôi sẽ phải tích cực chuyển đổi để nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các tiêu chí phát triển xanh và bền vững. Do đó, chúng tôi đã định hướng phát triển các KCN của mình theo hướng bền vững, vừa để thu hút đầu tư, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện, các vấn đề lý luận và nhận thức về kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ với phần lớn các doanh nghiệp cũng như người dân. Vậy nên, theo tôi, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu kĩ lưỡng và phổ biến rộng rãi kiến thức về mô hình kinh tế này cho các doanh nghiệp và người dân để từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt.
Thứ hai, Chính phủ nên tích cực đề ra các biện pháp tuyên truyền, thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững hướng mạnh theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên hóa thạch, tăng cường sử dụng tài nguyên có khả năng tái tạo trong sản xuất.
Thứ ba, để tạo cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đang hướng đến mô hình kinh tế xanh tuần hoàn, Chính phủ cũng nên có những chính sách hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho các dự án bền vững, nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc.