Nghiên cứu - Trao đổi

Giảm thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc mở rộng thêm đối tượng

Gia Nguyễn 09/04/2025 04:30

Trong bối cảnh nền kinh tế còn đối diện với không ít thách thức, để lan tỏa động lực từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, một số ý kiến đề xuất, mở rộng thêm đối tượng áp dụng.

Theo đó, Bộ Tài chính vẫn đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu tiêu dùng. Cụ thể Dự thảo đề xuất, việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ bao gồm: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

giam-thue-gia-tri-gia-tang-8.4.1.jpg
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng tiếp tục nhận được sự quan tâm - Ảnh minh họa: ITN

Thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng 2% với các quy định đã nêu được đề xuất áp dụng từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Đánh giá tác động của Dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó: 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng).

Mặc dù số giảm thu như đã nêu, tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng thời điểm này sẽ là một “liều doping” cực mạnh giúp doanh nghiệp khơi thông đầu ra và hồi phục nền kinh tế vĩ mô. Và để có thể tạo thêm sức lan toản, tạo động lực cho nền kinh tế, nên cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng.

giam-thue-gia-tri-gia-tang-8.4.2.jpg
Góp ý Dự thảo Nghị quyết, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép giảm thuế giá trị gia tăng với sản phẩm kim loại - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (phiên bản thẩm định) mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% trong thời gian qua đã góp phần kích cầu nội địa, mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế.

“Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2026 và đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026–2030, VCCI hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục thực hiện chính sách này và đồng ý với đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi thuế suất trong Dự thảo, nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng nội địa”, VCCI bày tỏ.

Bên cạnh đó, về danh mục hàng hoá cụ thể, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép giảm thuế giá trị gia tăng với sản phẩm kim loại.

Bởi, theo VCCI, sản phẩm kim loại đóng vai trò quan trọng, là đầu vào sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu, từ đồ gia dụng đến vật liệu xây dựng, phục vụ cho các ngành công nghiệp, xây dựng và cho mục đích tiêu dùng. Việc không giảm thuế giá trị gia tăng với mặt hàng này sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, xây dựng và mục tiêu kích cầu tiêu dùng. Hơn nữa, các sản phẩm khoáng sản như than cũng thuộc diện giảm thuế, nên không rõ lý do lại loại trừ các sản phẩm này.

Ngoài ra, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc phân loại sản phẩm kim loại (10%) với sản phẩm phi kim (8%) hoặc sản phẩm được sản xuất, gia công từ kim loại (8%) trong nhiều trường hợp là khó khăn. Khó khăn do đặc tính lý hoá của sản phẩm trong từng trường hợp cụ thể khác nhau hoặc do các cơ quan (hải quan/thuế) có quan điểm khác nhau, dù đã trải qua 5 năm thực hiện chính sách này. Trong khi đó, các cơ quan Nhà nước chỉ giải đáp chung, mang tính tham khảo mà không thể làm căn cứ thực thi. Việc này gây ra rủi ro bị truy thu thuế với doanh nghiệp trong tương lai.

Xoay quanh vấn đề này, trước đó, so sánh giai đoạn trước và sau dịch COVID-19, đặc biệt là từ 2022 đến nay, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, nguồn thu ngân sách không những không giảm mà xét về giá trị tuyệt đối là tăng, do việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp từ đó thúc đẩy tiêu dùng.

Cụ thể, năm 2022, việc giảm thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, góp phần kích cầu tiêu dùng, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Năm 2023, chính sách này đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 23,4 nghìn tỷ đồng, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022. Năm 2024, chính sách cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm 2023.

“Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn khó dự đoán, trong nước sức mua dù phục hồi nhưng vẫn chưa như kỳ vọng, ban soạn thảo có thể cân nhắc phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ”, TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc mở rộng thêm đối tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO