Giảm trung gian phân phối có làm giảm giá xăng dầu?

LAM SONG 28/02/2023 01:00

Việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu.

>>Vì sao không nên quy định chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu?

 Chính phủ yêu cầu giảm trung gian trong lưu thông, phân phối xăng dầu. Ảnh: Nhật Thịnh

Chính phủ yêu cầu giảm trung gian trong lưu thông, phân phối xăng dầu. Ảnh: Nhật Thịnh

Văn bản từ Văn phòng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc góp ý sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu nhấn mạnh như vậy.

Tại văn bản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định trong tháng 2-2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu. Giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua. Việc gửi báo cáo này được Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương không được để chậm trễ.

Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng trên cả nước vừa gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các quy định kinh doanh xăng dầu.

Đơn kiến nghị khẩn cấp nêu lên một loạt quy định chưa phù hợp ở Nghị định 83 /NĐ-CP và Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ còn quá nhiều bất cập, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn.

Theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Và thực tế thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, (nhà cung cấp) tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế nên các doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng vẫn phải duy trì kinh doanh.

Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu.

“Bất công nhất là thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ và được hưởng quá nhiều quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng từ nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường họ có thể cắt chiết khấu cho khách hàng để giữ chân khách". -  Các doanh nghiệp bán lẻ nhấn mạnh.

tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước được cho xuất phát chủ yếu từ quy định, phương thức quản lý giá - Ảnh minh họa

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước được cho xuất phát chủ yếu từ quy định, phương thức quản lý giá.

>>Sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu: Cần bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh

>>Đảm bảo công bằng cho nhà bán lẻ xăng dầu

>>Điều hành kinh doanh xăng dầu: Mệnh lệnh hành chính hay thị trường

Là doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng (tỉnh Yên Bái), cho rằng ý kiến giảm khâu trung gian có thể xuất phát từ một số phản ánh cho rằng trung gian "ăn dày" vào giá. Theo bà Chiến, không có trung gian hay nhà phân phối nào "ăn dày" được giá bán lẻ xăng dầu, khiến doanh nghiệp bán lẻ lỗ vì phân phối cả. Nếu có, chỉ từ doanh nghiệp đầu mối. Đầu mối chi phối giá bán lẻ theo giá cơ quan quản lý đưa ra tại mỗi kỳ điều hành. Thương nhân phân phối hay bán lẻ đều theo giá của đầu mối. Thế nên mới có câu chuyện quý cuối năm 2022, trong khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp phân phối, bán lẻ đều bị thua lỗ nhưng đầu mối lại lãi đậm.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Ngô Trí Long lại cho rằng, việc quy định đại lý xăng dầu chỉ được phép nhập hàng từ 1 đầu mối phân phối xăng dầu có lợi là kiểm soát được chất lượng và số lượng xăng dầu. Nhưng tuy nhiên, quy định chỉ cho phép nhập hàng từ 1 đơn vị phân phối lại khiến thị trường xăng dầu chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh, gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường.

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ, nới lỏng quy định này sẽ đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng trên cơ sở đúng quy định của pháp luật, lại không làm triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.

Để làm được việc này theo ông Phú, trước mắt có thể cho phép một số đại lý bán lẻ xăng dầu nghiêm túc đã được kiểm chứng tại địa phương mở rộng nhập xăng dầu từ 2 đơn vị phân phối, từ đó đánh giá hiệu quả để đưa ra giải pháp quản lý một cách tốt nhất. Khi đó, mặc dù các đại lý được đa dạng nguồn cung, nhưng cơ quan chức năng vẫn phải có biện pháp giám sát, quản lý về chất lượng, về nguồn gốc cũng như hóa đơn chứng từ mua bán.

“Vẫn có thể cho đại lý bán lẻ mua xăng dầu từ các nhà phân phối khác nhau nếu có các quy định chặt chẽ hơn, như việc tiền kiểm để đảm bảo chất lượng trước khi nhập kho bán ra thị trường cũng như giám sát quy trình giao nhận - cấp phát. Một khi có sự kiểm soát tốt chất lượng đầu vào của xăng dầu cho các đại lý vừa hạn chế được các hành vi gian lận, lại vừa làm giảm tính độc quyền của các đơn vị phân phối”, ông Phú nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao không nên quy định chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu?

    05:00, 22/02/2023

  • Vẫn “nóng” chuyện chiết khấu bán lẻ xăng dầu

    02:08, 21/02/2023

  • Sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu: Cần bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh

    04:00, 20/02/2023

  • Đảm bảo công bằng cho nhà bán lẻ xăng dầu

    14:00, 17/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm trung gian phân phối có làm giảm giá xăng dầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO