Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ là… hình thức

Hà Anh 14/02/2019 05:01

Dù được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB), các TCTD hỗ trợ cũng không thể sử dụng được lượng vốn này để cho vay vì vướng quy định về tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR).

3634634

Theo Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện DTBB của các TCTD, các TCTD hỗ trợ sẽ được giảm 50% tỷ lệ DTBB đối với tất cả các loại tiền gửi trong thời hạn kiểm soát đặc biệt theo phương án đã được phê duyệt.

Miễn, giảm chỉ là… hình thức

Tại Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện DTBB của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD), NHNN đề xuất miễn thực hiện DTBB đối với 3 đối tượng, gồm: TCTD được kiểm soát đặc biệt, TCTD chưa khai trương hoạt động, TCTD có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm

  • Cẩn trọng khi giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

    Cẩn trọng khi giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

    11:01, 12/02/2019

  • Ngân hàng nào sẽ không phải thực hiện dự trữ bắt buộc?

    Ngân hàng nào sẽ không phải thực hiện dự trữ bắt buộc?

    11:01, 11/02/2019

  • Nhiều ngân hàng sắp được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

    Nhiều ngân hàng sắp được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

    11:28, 11/12/2015

Bên cạnh đó, các TCTD hỗ trợ (là các TCTD được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt) sẽ được giảm 50% tỷ lệ DTBB đối với tất cả các loại tiền gửi trong thời hạn kiểm soát đặc biệt theo phương án đã được phê duyệt.

Theo Quyết định 1158/2018/QĐ-NHNN, tỷ lệ DTBB áp dụng từ ngày 1/6/2018 đối với các TCTD là 3% với tiền gửi VND có kỳ hạn dưới 12 tháng và 1% với tiền gửi VND kỳ hạn trên 12 tháng. Tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi ngoại tệ tương ứng theo kỳ hạn là 8% và 6% (riêng Agribank và Ngân hàng Hợp tác xã được áp thấp hơn 1% các loại).

Nếu quy định về giảm tỷ lệ DTBB trên được thông qua, các TCTD hỗ trợ sẽ chỉ phải thực hiện DTBB 1,5% đối với tiền gửi VND dưới 12 tháng và 0,5% đối với tiền gửi VND có kỳ hạn trên 12 tháng.

Hiện đang có hai luồng ý kiến xung quanh các quy định này. Luồng ý kiến thứ nhất ủng hộ việc giảm DTBB đối với các TCTD hỗ trợ để khuyến khích các TCTD tích cực tham gia vào tiến trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém. Trên thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD (Luật số 17/2017/QH14) cũng quy định, các TCTD hỗ trợ “được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến mức 0%, được giảm 50% tỷ lệ DTBB theo phương án phục hồi đã được phê duyệt”.

Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại khuyến nghị NHNN nên thận trọng với việc giảm tỷ lệ DTBB, bởi điều này có thể giải phóng một lượng vốn rất lớn khi mà các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém đều là những ngân hàng lớn. Vì thế, động thái này có thể ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và tạo sức ép lớn đến đồng nội tệ. Đáng quan ngại hơn là việc giảm tỷ lệ DTBB cũng đồng nghĩa với việc NHNN đã thu hẹp công cụ kiểm soát thanh khoản trong bối cảnh việc quản lý rủi ro thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp.

Thế nhưng nếu chiếu theo các quy định hiện hành của NHNN thì động thái miễn, giảm tỷ lệ DTBB mà Dự thảo Thông tư đưa ra chỉ mang tính hình thức. Bởi cho dù được giảm tỷ lệ DTBB thì các TCTD vẫn không thể sử dụng nguồn vốn này để cho vay được do còn vướng quy định về LDR.

Chọn ao… hay hồ

Quả vậy, theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT/NHNN, các TCTD phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi như sau: NHTM Nhà nước, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 90%; Ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 80%.

Điều đó cũng có nghĩa, cho dù có được miễn, giảm tỷ lệ DTBB, song các TCTD chỉ có thể lấy tiền từ kho của NHNN mang về... két của mình chứ không thể cho vay được.

Còn nhớ, ngay từ khi quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động (nay được sửa thành tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) được ban hành theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN, không ít chuyên gia đã cảnh báo quy định này đã “vô hiệu hóa” công cụ DTBB – một công cụ chính sách tiền tệ khá mạnh thường được các NHTW trên thế giới sử dụng để kiểm soát lạm phát.

Trên thực tế, suốt từ khi Thông tư 13/2010/TT-NHNN có hiệu lực đến nay, công cụ DTBB cũng không được NHNN sử dụng. Theo đó, tỷ lệ DTBB vẫn được duy trì ở mức 3% đối với tiền gửi VND dưới 12 tháng và 1% đối với tiền gửi VND trên 12 tháng suốt từ năm 2009 đến nay, cho dù trong khoảng thời gian này nền kinh tế đã từng trải qua những giai đoạn lạm phát tăng cao như những năm 2011 – 2012. Có chăng chỉ có tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi ngoại tệ là có thay đổi.

Thời điểm đó, đã có chuyên gia từng ví von, quy định tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động đã tạo ra những ao nhỏ ở mỗi ngân hàng, trong khi nếu NHNN xóa bỏ quy định này, đồng thời tăng tỷ lệ DTBB sẽ quy tụ những ao nhỏ này về một hồ chứa lớn tại NHNN và NHNN sẽ dễ dàng sử dụng hồ này để đảm bảo thanh khoản cho cả hệ thống. Đặc biệt, NHNN cũng có một công cụ mạnh hơn trong việc kiểm soát lạm phát.

TS. Lê Xuân Nghĩa thời điểm đó cũng đã từng khuyến nghị nên bỏ quy định tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động; thay vào đó nên sử dụng công cụ DTBB. Tuy nhiên đến nay, quy định LDR vẫn chưa được bãi bỏ, có chăng chỉ được nới hơn so với trước đây một chút. Song với quy định này cũng đủ để công cụ DTBB bị “vô hiệu hóa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ là… hình thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO