Giảm ùn tắc giao thông: Xén vỉa hè chỉ là giải pháp tạm thời

Sông Hàn 22/05/2019 04:00

Cái gốc của vấn đề là chúng ta cần có một chiến lược quy hoạch đô thị mở và một giải pháp phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng đồng bộ.

Thông tin hơn 1.900 cây xanh, 820 cột đèn chiếu sáng, các công trình ngầm, nổi phải di dời vì kế hoạch xén vỉa hè và dải phân cách để mở rộng lòng đường trên 15 tuyến phố của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận cũng như các chuyên gia.

Theo đó, các loại cây được di dời theo hình thức đánh chuyển sẽ là những loại cây, như: bằng lăng, chẹo, hoa sữa, lát hoa, muồng, phượng, sấu, thàn mát, và nước, xà cừ theo quy trình. Với các cây như sâu bệnh hoặc hình dáng và sự phát triển không bình thường sẽ được chặt bỏ.

Kinh phí thực hiện việc xén vỉa hè, dải phân cách, mở rộng đường kết hợp chỉnh trang cây xanh, thảm cỏ được UBND TP. Hà Nội phê duyệt nguồn vốn từ quỹ bảo trì đường bộ năm 2019 sử dụng để sửa chữa, bảo trì các công trình giao thông đảm bảo an toàn, đúng tiến độ.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp giảm tai nạn và khắc phục ùn tắc giao thông

    19:03, 06/05/2019

  • Bến phà Gót Hải Phòng: Tăng chuyến, có hết cảnh ùn tắc mùa du lịch?

    13:08, 20/04/2019

  • Kỳ vọng giảm kẹt xe tại TP HCM

    05:00, 14/02/2019

  • Gần 100.000 tỷ đồng kéo giảm kẹt xe ở TP HCM

    06:02, 13/10/2018

  • TP.HCM: Mở thêm tuyến buýt đường thủy số 2 có giảm được kẹt xe?

    07:00, 12/11/2018

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn lý giải: “Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án làm đường bao giờ cũng có dải phân cách để làm quỹ đất dự trữ. Tùy theo từng thời điểm, trước đây khi lượng phương tiện chưa nhiều thì để quỹ đất nhiều nhưng đến khi lượng phương tiện tăng lên thì xem xét xén dải phân cách để mở rộng đường, phục vụ cho phương tiện đi lại”.

Tuy nhiên, cần rõ ràng ở chỗ, phần vỉa hè và dải phân cách có kết cấu khác hẳn với phần xe chạy vì phần xe chạy phải làm rất cẩn thận, từ móng, nền còn dải phân cách thì chỉ cần bó vỉa và trồng cây phía trên. Nếu làm đường thì lại phải làm lại từ nền móng nên rất tốn kém. Đặc biệt nếu phía dưới dải phân cách có công trình ngầm thì công tác này rất khó khăn, phức tạp.

Hơn nữa, xén vỉa hè, dải phân cách để làm gì, khi các nút giao trọng điểm trên những đoạn đường đó, trước kia đã tắc, bây giờ xén xong vẫn tắc? Đến một lúc nào đó, khi không còn gì để xén, Hà Nội có thể sẽ tập trung kiếm tìm cách khác để chống tắc đường?

Bởi, theo dự báo của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể tăng lên gấp đôi, tương đương 14 triệu người. Tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, mật độ dân số tập trung tại các quận nội thành rất cao cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra áp lực về hạ tầng giao thông.

Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam khá hạn chế, hệ thống đường xá nhỏ, cũ kỹ và chậm phát triển, khu dân cư sinh sống nhiều ngóc ngách... Đó là những lý do khiến cho tình trạng tắc đường trở nên ngày một trầm trọng hơn và nhu cầu về xe máy vẫn cứ tiếp tục tăng cao.

Đã vậy, hàng loạt dự án đường sắt đô thị triển khai cả chục năm vẫn chưa thể đón khách, chậm tiến độ liên miên… Vì vậy, ùn tắc giao thông tại Hà Nội trong những năm tới đang như một “thảm họa” tiến gần. Vì thế, Hà Nội phải quyết liệt hơn trong phát triển giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh và các công trình hạ tầng giao thông.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông JICA cho biết: “Ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện ở mức cao tới mức xén những cái như thế thì không ăn thua gì cả, nó chỉ dồn dòng lưu thông từ chỗ này sang chỗ khác, nghĩa là nó thoát ở đường đó nhưng lại tắc ở chỗ khác, vì hệ thống giao thông phải liên thông, nếu nó không liên thông được thì nó sẽ ùn tắc lại ở chỗ nào khả năng tiêu thoát thấp nhất. Để giải quyết ùn tắc giao thông phải là vấn đề khác”.

Song song, để giải quyết được ùn tắc một cách căn cơ nhất, Hà Nội phải thực hiện ngay việc giãn dân cư ra khu vực ngoại ô, giảm nhà cao tầng theo đúng chủ trương, quy hoạch của Chính phủ. Còn với tỷ lệ dân như hiện nay, thành phố Hà Nội có thực hiện bất kỳ giải pháp, xây dựng công trình giao thông tiền tỷ nào trong nội thành thì nó cũng trở nên lạc hậu, mất giá trị chỉ sau một thời gian sử dụng.

Suy cho cùng, việc Hà Nội tích cực tìm các giải pháp chống ùn tắc giao thông là đáng hoan nghênh. Đây chỉ là giải pháp tình thế, nhưng đây cũng là những nỗ lực của UBND thành phố. Có điều, cái gốc của vấn đề là chúng ta cần có một chiến lược quy hoạch đô thị mở và một giải pháp phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng đồng bộ, chứ không phải là những giải pháp mang tính manh mún, nhất thời như việc xén vỉa hè, dải phân cách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm ùn tắc giao thông: Xén vỉa hè chỉ là giải pháp tạm thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO