Hoạt động mua hàng đầu vào bị ảnh hưởng bởi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra trong tháng 1.
IHS Markit công bố thông tin về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam. Theo báo cáo trong tháng 1/2021 số lượng đơn đặt hàng mới tăng, nhưng sản lượng hầu như không thay đổi. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam đạt 51,3 điểm vào tháng 1, giảm so với mức 51,7 của tháng 12/2020.
Theo IHS Markit, mặc dù các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã cải thiện vào đầu năm 2021 nhưng tăng trưởng vẫn yếu hơn so với cuối năm 2020. Cụ thể, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng hầu như không thay đổi trong tháng 1, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container chuyển hàng và khan hiếm nguyên vật liệu đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và từ đó góp phần làm tăng chi phí đầu vào với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2018.
Báo cáo cũng cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, kéo dài thời kỳ tăng thành năm tháng. Một số báo cáo cho biết khách hàng tăng lượng đặt hàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại so với tháng 12. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới hầu như không thay đổi, với sự giảm sút ở các thị trường có số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng.
Sản lượng của ngành sản xuất hầu như ổn định trong tháng 1. Trong khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng được hỗ trợ bằng tình trạng tăng sản lượng ở một số công ty, những công ty khác cho biết ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tiếp tục làm sản lượng giảm.
Mức tăng quy mô của một số đơn đặt hàng như nói ở trên bắt đầu tạo áp lực lên năng lực sản xuất trong tháng 1. Mặc dù lượng công việc tồn đọng giảm tháng thứ mười hai liên tiếp, tốc độ giảm là chậm nhất trong thời kỳ này.
Các nhà sản xuất có lực lượng lao động hầu như không thay đổi sau khi tăng trong tháng 12. Một số công ty tăng việc làm để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, trong khi những công ty khác ghi nhận giảm trong bối cảnh đại dịch và nhân viên nghỉ việc. Hoạt động mua hàng cũng thay đổi một chút.
Hoạt động mua hàng đầu vào bị ảnh hưởng bởi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra trong tháng 1. Trên thực tế, mức độ kéo dài thời gian giao hàng gần đây là lớn nhất trong gần một thập kỷ, ngoại trừ giai đoạn cách ly khó khăn nhất do Covid-19 vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. Các công ty thường báo cáo tình trạng thiếu container chuyển hàng cùng với khan hiếm nguồn nguyên vật liệu.
Những vấn đề liên quan đến chuyển hàng và nguồn cung nguyên vật liệu tạo thêm áp lực lạm phát. Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã gia tăng tháng thứ năm liên tiếp và là nhanh nhất kể từ tháng 6/2018. Trong khi đó, giá cả đầu ra tăng tháng thứ năm liên tiếp, mặc dù với tốc độ khiêm tốn và yếu hơn nhiều so với chi phí đầu vào.
Do muốn dự phòng tránh tình trạng giá cả nguyên vật liệu leo thang, các công ty đã tăng tồn kho hàng mua và đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp. Mặt khác, hàng tồn kho thành phẩm đã giảm với mức độ cao nhất trong thời gian năm tháng.
"Mặc dù các nhà sản xuất vẫn tự tin về triển vọng 12 tháng tới, tâm lý kinh doanh đã giảm về mức thấp của năm tháng khi còn những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của Covid-19. Ở những trường hợp các công ty lạc quan, điều này phản ánh hy vọng giảm ảnh hưởng của đại dịch và các kế hoạch mở rộng đầu tư và sản xuất", báo cáo của IHS Markit kết luận.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ số PMI của Việt Nam rơi xuống dưới 50 điểm
11:30, 01/12/2020
Vì sao xuất khẩu tăng nhưng PMI Việt Nam lại giảm trong tháng 8?
04:00, 04/09/2020
Bộ trưởng Bộ Công Thương can thiệp, tháo gỡ khó khăn cho thuỷ sản xuất khẩu sang Campuchia
18:56, 30/01/2021
Khẩu trang y tế do người Việt sản xuất có khả năng diệt COVID 99%
12:29, 30/01/2021
Các ngành sản xuất trong nước cần chủ động tiếp cận Công nghiệp 4.0
02:00, 26/01/2021