Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Tại Khoản 5, Điều 18, Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã cung cấp chi tiết hơn các trường hợp xác định nghĩa vụ liên quan đến báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbCR). Theo Deloitte, các doanh nghiệp cần lưu ý về các trường hợp xác định nghĩa vụ liên quan đến CbCR để tránh vi phạm quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Đối với những trường hợp Công ty mẹ tối cao (GUP- Global Ultimate Parent) tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18 nghìn tỷ đồng, thì GUP có nghĩa vụ chuẩn bị CbCR theo Phụ lục 4, đính kèm Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Thời hạn nộp báo cáo này là 12 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính của GUP.
Đối với những trường hợp GUP tại nước ngoài (nước X) có nghĩa vụ lập CbCR theo quy định của nước này, người nộp thuế tại Việt Nam có nghĩa vụ nộp CbCR cho cơ quan Thuế trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, nước X và Việt Nam có Thỏa thuận quốc tế về thuế/ Điều ước quốc tế về thuế (IA), nhưng không có Thỏa thuận của Nhà chức trách có thẩm quyền (CAA) trước hoặc tại thời điểm 12 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính của GUP.
Thứ hai, nước X và Việt Nam có CAA, nhưng cơ chế trao đổi thông tin tự động đang bị đình chỉ, hoặc, nước X không tự động cung cấp được cho cơ quan Thuế Việt Nam.
Thứ ba, GUP chỉ định người nộp thuế, là một trong nhiều công ty con tại Việt Nam. Khi nộp CbCR thì người nộp thuế có nghĩa vụ nộp cả CbCR và văn bản chỉ định trước hoặc vào ngày kết thúc năm tài chính của GUP.
Đối với những trường hợp GUP tại nước ngoài (nước X) chỉ định công ty con tại một nước ngoài khác (nước Y) thay mặt nộp CbCR, và thỏa mãn tất cả các điều kiện (Nước Y có quy định nộp CbCR; Nước Y có CAA với Việt Nam tại thời điểm 12 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính của GUP; Nước Y có CAA với Việt Nam, cơ chế trao đổi thông tin tự động không bị đình chỉ, và nước Y cung cấp được CbCR cho Việt Nam; doanh nghiệp con tại nước Y có văn bản chỉ định của GUP trước hoặc vào ngày kết thúc năm tài chính của GUP), thì không áp dụng 3 trường hợp nói trên.
Trong những trường hợp này, người nộp thuế tại Việt Nam nộp văn bản chỉ định trên cùng các thông tin (Tên, mã số thuế, nước cư trú của GUP; hoặc tên, mã số thuế, nước cư trú của Công ty con tại nước Y) vào trước hoặc vào ngày kết thúc năm tài chính của GUP của tập đoàn.
Đối với những trường hợp GUP tại nước ngoài (nước X), có nghĩa vụ lập CbCR theo quy định của nước X, và nước X và Việt Nam có CAA đang có hiệu lực, thì cơ quan thuế Việt Nam thực hiện theo cơ chế trao đổi thông tin tự động theo cam kết tại CAA.
Đối với những trường hợp GUP tại nước ngoài (nước X) không có nghĩa vụ liên quan đến CbCR tại nước này, cam kết tại Điều ước quốc tế về Thuế sẽ được áp dụng.
Có thể bạn quan tâm
Siết chặt quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
20:22, 10/11/2020
Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có những điểm nào mới?
04:50, 10/11/2020
Giao dịch liên kết (kỳ IV): Áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng
07:00, 07/10/2020
Giao dịch liên kết (kỳ III): Tác động của COVID-19 tới tái cấu trúc doanh nghiệp
05:00, 05/10/2020
Giao dịch liên kết (Kỳ II): Doanh nghiệp cần lưu ý gì trong thỏa thuận nội bộ?
05:30, 02/10/2020
Giao dịch liên kết (Kỳ I): Kiểm soát rủi ro tiềm ẩn
05:00, 01/10/2020