Giao dịch M&A: Tuân thủ để cạnh tranh công bằng

GIA NGUYỄN thực hiện 08/07/2023 00:30

Để tránh rủi ro pháp lý trong hoạt động M&A, các doanh nghiệp nên chủ động tự xác định giao dịch của mình có thuộc trường hợp tập trung kinh tế hay không, theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

>>Bệnh viện FV có thương vụ "mua và sáp nhập đầu tiên"

Đây là chia sẻ của TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) bùng nổ trong những năm qua được cho là tín hiệu tốt đối với thị trường, nhưng cũng đặt ra bài toán tăng cường kiểm soát tập trung kinh tế từ phía cơ quan quản lý. Quy định của pháp luật hiện nay về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

M&A và tập trung kinh tế là quyền tự do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được thực hiện và pháp luật không cấm khi doanh nghiệp lớn mạnh bằng chính nội lực của mình, tuy nhiên, khi doanh nghiệp lớn mạnh và đạt được sức mạnh thị trường nhất định, có vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền nhưng thông qua hình thức M&A, tức là đi thâu tóm lại doanh nghiệp khác hoặc kết hợp sức mạnh thị trường với một doanh nghiệp khác không phải do nội lực của mình thì pháp luật cạnh tranh của tất cả các nước đều kiểm soát nhằm đánh giá, ngăn ngừa những yếu tố tiềm ẩn khi hình thành vị trí thống lĩnh hay độc quyền do M&A mang lại, đây là lý do cần kiểm soát tập trung kinh tế.

Pháp luật cạnh tranh Việt Nam đưa ra các ngưỡng để doanh nghiệp có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thông báo về tập trung kinh tế, đó là: tổng tài sản trên thị trường Việt Nam; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam; giá trị của giao dịch tập trung kinh tế và thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan tại Việt Nam.

Theo đó, với tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, chỉ cần một doanh nghiệp có ý định thực hiện tập trung kinh tế, nếu doanh nghiệp đó có tổng tài sản hay doanh thu trên thị trường của năm trước năm dự kiến tập trung kinh tế từ 3.000 tỷ đồng trở nên thì cần thực hiện thủ tục thông báo, hoặc giá trị giao dịch của thương vụ mua lại từ 1.000 tỷ trở lên được thực hiện tại thị trường Việt Nam.

>>COVID-19 thúc đẩy hoạt động thâu tóm, sáp nhập của doanh nghiệp Việt

Trong trường hợp các doanh nghiệp có tổng tài sản hay tổng doanh thu dưới 3.000 tỷ đồng và giá trị giao dịch chỉ một vài trăm tỷ thì doanh nghiệp cũng cần xem liệu thị phần kết hợp trên thị trường liên quan (thị trường doanh nghiệp dự định tập trung kinh tế) có trên 20% hay không? Nếu các tiêu chí trên không đảm bảo nhưng thị phần lại trên 20% thì doanh nghiệp vẫn cần thực hiện thông báo hồ sơ tập trung kinh tế.

- Luật sư cho biết rõ hơn những rủi ro doanh nghiệp M&A phải đối diện trong trường hợp vi phạm pháp luật cạnh tranh?

Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh; tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu mức xử phạt hành chính được quy định trong Mục 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP. Chế tài phạt hành chính có thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền là chủ yếu.

Cụ thể, đối với hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh bị phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng; Hành vi ép buộc trong kinh doanh (đe dọa hoặc cưỡng ép để đối tác của doanh nghiệp khác không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó): bị phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng (nếu ép buộc hách hàng hoặc đối tác kinh doanh lớn nhất của đối thủ cạnh tranh);... mức phạt tối đa cho hành vi này có thể lên tới 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm; tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một; một số hình thức xử phạt bổ sung như: Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh;…

Ngoài ra, đối với một số hành vi như: Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;… gây thiệt hại cho người khác từ 01 - dưới 05 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 217 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định riêng về Tội vi phạm quy định về cạnh tranh.

- Vậy, ông có khuyến nghị gì để các doanh nghiệp tránh rủi ro trong quá trình thực hiện hoạt động M&A?

Để tránh rủi ro pháp lý và các chế tài nghiêm khắc thì các doanh nghiệp nên chủ động tự xác định giao dịch của mình có thuộc trường hợp tập trung kinh tế phải thông báo hay không, từ đó, chuẩn bị hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh.

Bên cạnh đó, khi tiến hành các thương vụ M&A thì hợp đồng chính là gốc rễ của giao dịch; đồng thời đây cũng chính là khởi nguồn của hầu hết các vấn đề phát sinh sau này. Do đó, từ giai đoạn soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp cần phải tập trung vào một số điều khoản chính như điều khoản về giá, thanh toán; nhóm điều khoản phân chia rủi ro, các điều khoản về pháp lý, giải quyết tranh chấp…

Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc như tự do thoả thuận tự nguyện, chịu trách nhiệm về mặt tài sản, hợp đồng trong giao dịch M&A cũng cần nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác, phương hướng giải quyết các rủi ro, tình huống mâu thuẫn phát sinh… Bởi quá trình M&A là quá trình kéo dài, luôn có các nguy cơ tiềm ẩn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram”

    SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram”

    04:00, 14/05/2023

  • Thâu tóm không đúng “giá trị cốt lõi”, Walmart lỗ 75% giá trị công ty

    Thâu tóm không đúng “giá trị cốt lõi”, Walmart lỗ 75% giá trị công ty

    03:45, 23/04/2023

  • Doanh nghiệp

    Doanh nghiệp "đuối sức" nguy cơ bị thâu tóm

    05:00, 27/02/2023

  • Nhà đầu tư ngoại sẽ thâu tóm các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam?

    Nhà đầu tư ngoại sẽ thâu tóm các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam?

    05:00, 16/01/2023

  • Binance lên kế hoạch thâu tóm sàn giao dịch tiền điện tử FTX

    Binance lên kế hoạch thâu tóm sàn giao dịch tiền điện tử FTX

    04:50, 10/11/2022

  • Những thương vụ thâu tóm ngược của doanh nghiệp Việt

    Những thương vụ thâu tóm ngược của doanh nghiệp Việt

    05:00, 22/09/2022

  • Tham vọng của Nutifood khi thâu tóm Đường Quảng Ngãi?

    Tham vọng của Nutifood khi thâu tóm Đường Quảng Ngãi?

    04:00, 09/08/2022

  • Gia tăng nguy cơ bị thâu tóm

    Gia tăng nguy cơ bị thâu tóm

    17:32, 06/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giao dịch M&A: Tuân thủ để cạnh tranh công bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO