Giáo dục đại học được tự xác định mô hình phát triển

Hồng Hương 19/11/2018 17:15

“Luật quy định cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh, tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình”.

Đó là một trong những nội dung trong Báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình

Chiều 19/11 Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Với 408 đại biểu có mặt tán thành, bằng 84,12% tổng số đại biểu. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.  

Mô hình cơ sở giáo dục đại học là một trong những vấn đề được bàn thảo rất nhiều tại các phiên thảo luận, khi mà theo một số đại biểu thì mô hình đại học 2 cấp như đại học quốc gia, đại học vùng chỉ tồn tại và có ở Việt Nam, không có ở nơi nào trên thế giới.

Báo cáo giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đại biểu đề nghị chỉ quy định một mô hình cơ sở giáo dục đại học là trường đại học, xóa bỏ mô hình đại học tổ chức theo 2 cấp hành chính hoặc sắp xếp lại các đại học theo hướng trường thành viên trong đại học chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của đại học.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, mô hình, tên gọi cơ sở giáo dục đại học trên thế giới rất đa dạng, không có sự đồng nhất giữa các quốc gia, khu vực hoặc ngay trong bản thân từng nước. Trong đó mô hình đại học gồm tổ hợp/nhóm các trường đại học thành viên không phải là điều mới và cũng đang là một trong những xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới.

"Mô hình đại học ở Việt Nam đã có lịch sử phát triển trên 20 năm và đến nay cũng đã có những thành tựu không thể phủ nhận. Một số vướng mắc, bất cập nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của các đại học vùng hiện nay chủ yếu là do cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, đầu tư chưa phù hợp", báo cáo nêu rõ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày, xuất phát từ quan điểm xây dựng luật phải phù hợp với xu hướng quốc tế, tôn trọng thực tiễn, bảo đảm ổn định và tạo điều kiện cho phát triển hệ thống, dự thảo luật quy định 2 mô hình là trường đại học và đại học. Trong đó đại học được hình thành trên cơ sở sáp nhập một số trường đại học đang tồn tại, hoặc từ một trường đại học tự lớn mạnh và hình thành các trường trực thuộc bên trong.

"Tiếp thu ý kiến đại biểu, luật không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình. Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng", ông Bình cho biết.

Cơ quan giải trình, tiếp thu cũng hồi âm ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ chủ sở hữu đối với cơ sở giáo dục đại học; quyền của chủ sở hữu trong các vấn đề về tổ chức, nhân sự, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu của mình.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng yêu cầu làm rõ vấn đề sở hữu đối với cơ sở giáo dục đại học là hoàn toàn xác đáng và cần thiết.

Ông Bình cho biết dự thảo luật đã phân biệt rõ 2 loại hình là trường công lập và trường tư thục. Trường công lập do Nhà nước đầu tư thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu theo quy định tại điều 53 của Hiến pháp "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".

Hội đồng trường (trong trường công lập) được giao nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của cơ sở giáo dục đại học như định hướng phát triển trường, quyết định về cơ cấu tổ chức, tham gia quyết định nhân sự chủ chốt trong trường cũng như có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật.

Tương tự, trường tư thục do nhà đầu tư là tổ chức, tập thể hoặc tư nhân thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động nên nhà đầu tư có quyền tham gia vào hội đồng trường để tác động đến tổ chức - nhân sự, tài chính - tài sản, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các thiết chế trong nhà trường thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình.

Liên quan đến tài chính, tài sản, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung điều kiện để được phép sử dụng tài sản được giao để kinh doanh, cho thuê; giao Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học để kinh doanh, cho thuê, liên kết theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, tài sản của cơ sở giáo dục đại học công lập là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Dự thảo luật quy định cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ sử dụng một phần tài chính, tài sản được Nhà nước giao để thực hiện kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển giáo dục đại học theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển là căn cứ trên nguyên tắc và phải tuân thủ các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. 

Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này, vì vậy, trong luật này không cần thiết phải quy định lại, ông Bình báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

    Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

    06:48, 30/05/2018

  • Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Quốc hội

    Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Quốc hội

    16:40, 08/11/2018

  • Vì sao cần sửa đổi Luật Giáo dục?

    Vì sao cần sửa đổi Luật Giáo dục?

    16:08, 11/06/2018

  • Tự chủ giáo dục là xu hướng quốc tế

    Tự chủ giáo dục là xu hướng quốc tế

    09:16, 06/11/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giáo dục đại học được tự xác định mô hình phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO