GrabExpress và Droppii vừa ra mắt dịch vụ giao hàng siêu tốc 4 giờ. Liệu dịch vụ này có “đi lên” và tránh được số phận hẩm hiu của các dịch vụ giao hàng 2 giờ trước đây?
Sàn thương mại điện tử Dropii và GrabExpress vừa ký kết hợp tác, ra mắt dịch vụ giao hàng nhanh 4 giờ trong nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với tên gọi Droppii Flash.
Theo đó, khách hàng có thể sử dụng Droppii Flash cho các giao dịch trên ứng dụng Droppii. Tiếp đó đơn hàng được chuyển ngay cho các đối tác Grab để giao tận tay khách hàng với tốc độ nhanh nhất có thể.
Droppii thành lập năm 2018, là công ty cung cấp các giải pháp gồm hệ thống sản phẩm tư vấn, giải pháp marketing, công nghệ hỗ trợ quản lý đơn hàng, hệ thống kho bãi và vận chuyển. Đến nay Droppii thu hút gần 100.000 đối tác và phân phối hơn 135.000 mã đơn hàng mỗi tháng.
Về thương vụ hợp tác này, đại diện của GrabExpress chia sẻ rằng một trong những tiện ích đặc biệt của GrabExpress là cho phép khách hàng chủ động ghi chú yêu cầu giao hàng cho tài xế. Ngoài ra việc hợp tác cũng tạo điều kiện cho người dùng đặt giao hàng qua Droppii trải nghiệm thêm hệ sinh thái của Grab.
Giao hàng nhanh là một dịch vụ mà rất nhiều bên giao nhận và sàn thương mại điện tử hướng đến. Tuy nhiên khách hàng có thực sự cần “nhanh” như vậy không, thì vẫn là một vấn đề cần bàn thêm.
Theo một khảo sát của công ty giải pháp kỹ thuật số CI&T năm 2021, khi được hỏi muốn các đơn đặt hàng trên mạng được chuyển phát nhanh như thế nào, thì câu trả lời chiếm phần cao nhất từ người tiêu dùng là 3 - 4 ngày (chiếm 36%), xếp sau đó là 2 ngày (30%), 1 ngày (18%) và cùng ngày (9%).
Khi có nhu cầu mua sắm ngay lập tức, thì người tiêu dùng thường chọn ghé ra cửa hàng cửa hàng mua trực tiếp. Đó cũng là lý do phổ biến nhất thúc đẩy khách hàng ra cửa hàng (42%), sau đó mới là giá cả tốt (19%).
Như vậy tức là một phần nào đó tiêu chuẩn giao hàng nhanh không phải là một nhu cầu quá bức thiết của khách hàng thương mại điện tử.
Đó là về phần khách hàng, còn về phần doanh nghiệp, thì các dịch vụ giao hàng 2h cũng hụt hơi.
“Cha đẻ” của hình thức giao hàng nhanh 2 tiếng, Amazon vừa thông báo đóng cửa dịch vụ này từ cuối năm 2021, dịch vụ giao hàng nhanh hai tiếng sẽ chỉ còn áp dụng cho Thực phẩm tươi sống và Thực phẩm toàn phần.
Dịch vụ giao hàng nhanh 2 tiếng ở Việt Nam, với những ví dụ như Tiki Now hoặc Lazada cũng không được lòng khách hàng lắm. Nguyên nhân có thể kể đến như hạn chế chỉ áp dụng cho hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM. Không chỉ vậy thời gian đặt hàng cũng bị giới hạn, với Lazada là phải đặt trước 14h, còn Tiki là trước 13h.
Đó là còn chưa kể không phải loại hàng hóa nào cũng được giao hàng nhanh. Và thậm chí dù khách bỏ phí để chọn giao hàng 2 giờ, nhưng vẫn có trường hợp giao chậm trễ.
Và theo nhận xét của một giám đốc công ty giao nhận lớn, thì các dịch vụ kiểu này ở Việt Nam giống chiến lược marketing hơn là một dịch vụ khách hàng. Vậy nên duy trì giao hàng 2 giờ có vẻ là một tương lai khá xa với thương mại điện tử nước nhà.
Quay lại với dịch vụ giao hàng 4h của Droppii và GrabExpress. 4 giờ vừa là khoảng thời gian vừa vẫn đủ “rất nhanh”, vừa đủ “lâu” để giảm nhiều sức ép, chi phí cho đơn vị giao nhận. Vậy với “cải tiến” này, liệu dịch vụ giao hàng 4 giờ có thành công hay vẫn chỉ là một chiêu bài tiếp thị như giao hàng 2 giờ?
Có thể bạn quan tâm
Startup giao hàng nhanh: 'Ngày vui ngắn chẳng tày gang'
04:36, 30/07/2022
Đưa bền vững vào giao hàng chặng cuối
01:00, 23/06/2022
Giao hàng tiết kiệm có kế hoạch IPO với định giá 1 tỷ USD
04:28, 18/03/2022
DoorDash thử nghiệm giao hàng siêu nhanh
04:00, 09/12/2021
Chuyện phí giao hàng mùa dịch
04:08, 18/09/2021