Đây là khẳng định của nhà sử học Lê Văn Lan trước những ý kiến trái chiều trong việc dựng tượng vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của tòa.
Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao đang tổ chức lấy ý kiến về lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND Tối cao, trụ sở tòa án quân sự và TAND các cấp.
Trước đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Hiện nay, việc lấy ý kiến này đang vấp nhiều quan điểm trái chiều.
Trước những ý kiến trái chiều của dư luận, giáo sư sử học Lê Văn Lan khẳng định, việc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử là hoàn toàn xứng đáng.
“Lý Thái Tông là vị hoàng đế thứ hai của triều đại Nhà Lý. Ông được đánh giá là một vị hoàng đế tài giỏi, thời đại của ông được xem là khởi đầu sự thịnh vượng của Nhà Lý. Hơn nữa, trong cuộc đời trị vì của ông, ông đã làm được nhiều việc tốt, ông là vị vua đầu tiên ban hành Bộ hình thư, là Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vì vậy tôi thấy không có gì phải xôn xao, bàn tán. Vua Lý Thái Tông hoàn toàn xứng đáng là nhân vật tiêu biểu đại diện xét xử cho luật pháp Việt Nam", ông Lan nhấn mạnh.
Trước quan điểm cho rằng việc chọn hình ảnh một vị vua là nhân vật biểu tượng cho công lý có vẻ hơi khiên cưỡng, ông Lan khẳng định, trong tất cả các triều đại vua thì có rất nhiều triều đại đã trị vì không tốt, chỉ một vài triều đại là được nhận xét là khá, trong đó triều đại của vua Lý Thái Tông liên quan tới luật pháp, ông dùng pháp trị để cai quản muôn dân. Chính vì vậy mà chọn vua Lý Thái Tông là hoàn toàn hợp lý.
TAND tối cao đã đưa ra 3 mẫu phác thảo tượng để lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án. Mẫu 1: vua cầm cuốn Hình thư trên ngực trái với hàm ý sâu xa việc xử án phải có trái tim nhân hậu; tay phải nâng cao như chỉ dạy, khuyên bảo. Mẫu 2: tay phải vua cầm gươm với hàm ý xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị. Mẫu 3: tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý. Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, cao 5,3m.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng ba mẫu phác thảo này chưa thể hiện đúng tinh thần của biểu tượng công lý.
Thậm chí, gay gắt hơn, có ý kiến còn cho rằng nếu chọn 1 trong 3 tượng mà Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã đưa ra sẽ có sự sao chép, trùng lặp với tượng vua Lý Thái Tổ.
Không đồng tình với quan điểm này ông Lan nói rằng: “Trên thực tế chúng ta cũng không thể biết chắc gương mặt của vua Lý Thái Tổ như thế nào, thậm chí trang phục, quần áo cũng không thể biết chắc. Vì vậy các tượng trở thành truyền thống ở ngành điêu khắc Việt Nam đều gói trong tượng thờ.
Nên việc làm tượng chân dung của nhân vật lịch sử thời điểm hiện tại sẽ là rất khó để bảo có sự khác biệt, bởi không ai biết đích xác khuôn mặt, trang phục quần áo của từng vị vua, nên sự ang áng, na ná giống nhau là điều không thể tránh khỏi”, ông Lan nhấn mạnh.
Do đó ông Lan cho rằng việc đúc tượng chân dung chỉ còn cách làm thế nào tạo được thần thái của người cầm cân nảy mực, dựa trên pháp luật. Tức là vừa nghiêm khắc nhưng cũng mang vẻ hiền từ, bao dung.
Có thể bạn quan tâm
11:58, 06/11/2017
15:51, 23/08/2016
18:17, 15/08/2015
Trước đó, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao đã ký văn bản về việc lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Theo đó, sau khi lấy ý kiến đóng góp của tòa án nhân dân, Hội đồng phẩm phán Toà án Nhân dân tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của Toà án Nhân dân và hoạt động xét xử.
Tượng vua Lý Thái Tông sau khi chọn được 1 trong các mẫu phác thảo sẽ được dựng tại trụ sở toà án tối cao, trụ sở toà án quân sự và toà án các cấp.
Có thể bạn quan tâm
11:58, 06/11/2017
15:51, 23/08/2016
18:17, 15/08/2015
Ngày 5/2/2020, Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.
Trong bản thuyết minh tượng Lý Thái Tông (1028 – 1054), biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam, vua Lý Thái Tông đã ban hành bộ “Hình thư” – Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt.
Vua Thái Tông đã xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh…
Việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông được thuyết minh là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.