Những năm qua ngành GTVT Quảng Bình đã vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Quảng Bình cho biết: Khi mới tái lập tỉnh, trở về trong bối cảnh di chuyển hàng trăm người từ Huế ra, nơi làm việc, nơi ăn ở không có, lao động dôi dư, chưa có việc làm khá đông, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu và ít hơn cả trước lúc nhập tỉnh.
Khó khăn chồng chất
Đặc biệt hệ thống đường sá của Quảng Bình xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo tiêu chuẩn cấp đường thiết kế, Quốc lộ 15 tắc nhiều đoạn do bị phá hủy trong chiến tranh để lại chưa được sửa chữa,.
Số lượng và chất lượng phương tiện ô tô không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, xây dựng và đi lại của nhân dân; phương tiện vận tải biển không có. Cảng Gianh, Nhật Lệ luồng lạch bị bồi đắp, cầu tàu kho bãi hư hỏng, thiết bị bốc xếp cũ kỹ. Hệ thống đường sông tuy có tổ chức các trạm quản lý, sửa chữa, duy tu nhưng năng lực thông qua thấp. Giao thông nông thôn do thiếu quy hoạch phát triển, thiếu kinh phí nên hệ thống đường liên thôn, liên xã và đường ra đồng ruộng chủ yếu chỉ có xe thô sơ đi lại...
Có thể bạn quan tâm
16:20, 04/07/2019
16:10, 04/07/2019
07:38, 04/07/2019
11:51, 03/07/2019
Tuy vậy, ngành có đội ngũ cán bộ công nhân được quy tụ lại từ những truyền thống tốt đẹp: đoàn kết, chủ động, dũng cảm, thông minh, sáng tạo; có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, của Bộ GTVT cũng như sự giúp đỡ, phối hợp đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh. Những thuận lợi đó là nhân tố quan trọng tạo thêm sức mạnh để ngành cất bước vượt qua khó khăn thử thách hoàn thành nhiệm vụ được giao, ông Hải nhấn mạnh.
Thành quả tốt đẹp
Đến nay, nhiều công trình lớn, mang tính kết nối cao, phục vụ cho các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh đã được đầu tư xây dựng; hệ thống giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 5 loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa; kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, ông Hải cho biết thêm.
Về đường bộ, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 12.719km đường bộ, bao gồm hệ thống Quốc lộ có 905km, hệ thống đường tỉnh gồm 20 tuyến với chiều dài 347km, số lượng còn lại là đường đô thị (732km), đường huyện (763km), đường xã (2.116km), đường thôn, xóm và nội đồng (khoảng 7.779km), đường chuyên dùng (77km). Hiện nay, 100% số xã đã có đường ô tô về đến trung tâm xã. Về đường sắt, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc, đi qua hầu hết các huyện, thành phố thuộc tỉnh với chiều dài 174,5km; có 19 ga, trong đó có 2 ga chính là ga Đồng Hới và ga Đồng Lê.
Về đường biển, tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài 126km, hệ thống cảng biển gồm có: Cảng Gianh tiếp nhận tàu đến 1.000DWT; cảng Hòn La tiếp nhận cỡ tàu đến 15.000 DWT, hiện đang xây dựng giai đoạn 2 để tiếp nhận tàu đến 30.000 DWT; có các tuyến vận tải biển Quốc tế và nội địa.
Về đường thủy nội địa, Quảng Bình có 5 hệ thống sông chính với tổng chiều dài 230km (gồm 121km đường thủy nội địa quốc gia và 109km đường thủy nội địa địa phương), phân bố tương đối đều trên địa bàn tỉnh, bao gồm: sông Gianh, sông Roòn, sông Dinh, sông Nhật Lệ và sông Kiến Giang.
Về đường hàng không: Cảng Hàng không Đồng Hới được đưa vào khai thác năm 2008; quy mô sân bay cấp 4C, cho loại máy bay A320/A321 cất hạ cánh; hiện đang khai thác 03 tuyến bay nội địa: Đồng Hới - Hà Nội; Đồng Hới - TP. Hồ Chí Minh; Đồng Hới - Cát Bi và ngược lại; 01 đường bay quốc tế Đồng Hới - Chiêng Mai (Thái Lan).
Với một mạng lưới giao thông dày đặc và có đủ các loại hình vận tải, ngành GTVT Quảng Bình đã đáp ứng những yêu cầu mới của tỉnh, của nhân dân trong công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, ông Hải nói.