Nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng, cổ phiếu của Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh XNK Bình Thạnh (HoSE: GIL) đã tăng gấp đôi so với hồi đầu tháng 8/2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hàng nghìn doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là với ngành dệt may. Do thị trường xuất khẩu bị đóng cửa, cùng với đó là việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, khiến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may lao đao, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp “lội ngược dòng” và tăng trưởng khá ấn tượng. Đơn cử như Công ty CP Sản xuất và Kinh doanh XNK Bình Thạnh, với mức tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ.
Cụ thể, Doanh thu trong quý III của GIL đạt 907 tỷ đồng, tăng 36%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lãi gộp gần gấp đôi lên 167 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 12,7% lên 18,4%. Chi phí bán hàng tăng 40% lên 35 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 20% lên 29 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần doanh nghiệp đạt 2.546 tỷ đồng, tăng 45%. Lợi nhuận sau thuế đạt 189,5 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. EPS đạt 6.745 đồng, tăng 72% do doanh nghiệp tăng vốn từ 240 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng.
Với kết quả này, GIL đã vượt 27,3% chỉ tiêu doanh thu và vượt 80% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế ở kịch bản tích cực. GIL lý giải lợi nhuận tăng cao là do doanh nghiệp có cơ cấu mặt hàng xuất bán.
Tại thời điểm cuối quý III/2020, doanh nghiệp có 2.997 tỷ đồng tổng tài sản, tăng thêm gần 1.100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền tăng 71,3% lên 670 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh từ 43,3 tỷ lên 354,6 tỷ đồng. Đồng thời, khoản phải thu ngắn hạn cũng gấp 2,6 lần lên 976 tỷ đồng.
Theo Công Ty TNHH Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta Securitues), GIL có 2 đối tác lớn là Amazon và IKEA đều là những doanh nghiệp lớn với mảng kinh doanh online là chủ đạo. Điều này đã giúp GIL tránh được ảnh hưởng từ COVID-19 so với các doanh nghiệp dệt may khác trong ngành, thậm chí hoạt động mua bán online sôi nổi hơn so với mua bán truyền thống trong giai đoạn này.
Cũng theo Yuanta Securitues, trong tháng 9, GIL cũng vừa công bố kế hoạch điều chỉnh phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, với giá trị tối thiểu từ 50-100 tỷ, kỳ hạn 1-5 năm. Nguồn vốn này nhằm tài trợ cho dự án KCN Phú Bài 4.
Dự án KCN Phú Bài 4 tại Thừa Thiên Huế theo tiêu chuẩn Singapore với vốn góp khoảng 255 tỷ, tương đương 51% vốn điều lệ, quy mô dự án khoảng 507ha trong đó giai đoạn 1 là 420ha, giai đoạn 2 là 87ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng.
“Theo kế hoạch, GIL sẽ hoàn thành các thủ tục cấp phép đầu tư trong năm 2020 và sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình, kinh doanh từ 2020 - 2027. Thông tin về tiến độ chưa được doanh nghiệp cập nhật cụ thể, tuy nhiên theo chúng tôi đánh gía giai đoạn giải phóng mặt bằng có thể sẽ kéo dài sang 2021”. Yuanta Securitues cho biết.
Ngoài ra, GIL cũng đầu tư vào Công ty Bất động sản Hưng Khang và Công ty Đầu tư và Phát triển Hoàng An – sở hữu 2 khu đất ở Bình Dương nằm sát khu công nghiệp để tạo cơ sở cho mục tiêu phát triển chuỗi khách sạn 3-4 sao. Đây là mảng kinh doanh kỳ vọng đem lại giá trị bền vững và lâu dài cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2030.
Trên thị trường, cổ phiếu GIL đang giao dịch quanh mức giá 37.000đ/cổ phiếu. Lịch sử giao dịch cho thấy, giá cổ phiếu GIL đã tăng gấp đôi so với hồi đầu tháng 8/2020. Giới chuyên gia chứng khoán nhận định, cổ phiếu GIL đang trong nhịp tăng cả ngắn, trung và dài hạn khi dòng tiền vẫn đang duy trì khá tích cực.
Có thể bạn quan tâm