Nếu Masan cho triển khai các kiot Phúc Long tại hệ thống siêu thị Winmart, thì Target của Mỹ cũng thực hiện một chiến lược tương tự với việc cho khách hàng order Starbucks trên ứng dụng của mình.
>>Phép thử “nóng” của Phúc Long
Nhằm giúp khách hàng mua hàng nhanh chóng, tiện lợi, ít tiếp xúc, đồng thời có thể không tốn kém chi phí giao hàng, chuỗi siêu thị Target của Mỹ triển khai dịch vụ curbside pickup, tức là khách hàng đặt đơn và thanh toán qua hệ thống online, còn nhân viên siêu thị đóng gói, ra đơn. Khi khách đến nơi nhân viên đem ra tận xe cho khác, không cần khách phải xuống xe.
Để thu hút mọi người sử dụng dịch vụ này, Target quyết định cho phép khách hàng đặt hàng Starbucks chung với các món hàng khác. Theo Target, thêm Starbucks vào danh sách đặt hàng là một trong những “yêu cầu hàng đầu” từ khách hàng. Ngoài ra vốn dĩ trước giờ Target cũng từng hợp tác lâu dài với Starbucks, đặt các cửa hàng Starbucks trong những siêu thị của mình.
Để sử dụng tính năng này, người dùng chỉ cần đặt đơn Starbucks trên ứng dụng Target, ghi chú rõ thời gian đến lấy để đảm bảo thức uống luôn được pha chế mới. Sau đó nhân viên Target gói hàng, khách hàng chỉ việc ghé qua và lấy đơn.
Ngoài ra, Target còn cho khách hàng đặt đồ uống dự phòng. Tức là khi đặt, ngoài món chính khách hàng có thể liệt kê thêm những món dự phòng. Trong trường hợp món chính hết, nhân viên sẽ nhanh chóng đổi sang loại tiếp theo trong danh sách.
Theo Target, việc áp dụng những dịch vụ này giúp họ tăng doanh thu gần mười lần so kể từ năm 2019, đạt 1,4 tỷ USD trong riêng trong quý 3 năm 2021.
Việc một siêu thị kết đôi cùng một thương hiệu đồ uống nghe có vẻ không hề xa lạ với thị trường Việt Nam, vì người dùng đã quen thuộc với những kiot Phúc Long xuất hiện trong các cửa hàng Winmart (Vinmart cũ) kể từ giữa năm 2021.
>>Masan bỏ 110 triệu USD cho 31% cổ phần Phúc Long: Trả giá có quá đắt?
Cụ thể vào tháng 5/2021, Masan (công ty chủ quản Winmart) ký hợp đồng mua lại 20% công ty Cổ phần Phúc Long Heritage (công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long) với mục đích tích hợp Phúc Long vào hệ thống Winmart nhằm “đem về 20% doanh thu cho mỗi siêu thị Winmart”.
Sự đồng hành giữa Winmart và Phúc Long đem đến kết quả rất tích cực. Kể từ khi bắt tay với Masan, số lượng các cửa hàng lớn bên ngoài của Phúc Long tăng nhẹ lên 88 địa điểm, nhưng số lượng kiot bên trong Winmart tăng lên chóng mặt, nhanh chóng chạm mốc 624 cửa hàng. Tức là hiện tại Phúc Long có khoảng 721 cửa hàng lớn nhỏ, đứng đầu về mặt số lượng trong mảng F&B ở Việt Nam.
Ngoài ra, doanh thu của Phúc Long tăng trưởng cũng rất mạnh. Nếu doanh thu năm 2019 của Phúc Long là 779 tỷ đồng, thì dự kiến trong năm tài chính 2022, doanh thu đạt từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và các kiot trong Winmart.
Sau gần 1 năm đồng hành, có vẻ hiệu quả mà Phúc Long mang lại cho Masan khá lớn, vậy nên Masan quyết định mua thêm 31% cổ phần Phúc Long, chính thức biến Phúc Long trở thành công ty con của mình.
Sự thành công của những màn kết đôi “Target và Starbucks” hay “Winmart và Phúc Long” là những minh chứng cho tính khả thi của xu hướng này. Do đó trong thời gian tới, có lẽ sẽ có nhiều chuỗi siêu thị áp dụng chiến lược này để tăng doanh thu và phát triển kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm