Tín dụng - Ngân hàng

Gỡ khó tiếp cận “vốn xanh” cho các khu công nghiệp xanh

Tuấn Vỹ 09/05/2025 17:10

Các khu công nghiệp, khu chế xuất truyền thống,... đang nỗ lực chuyển đổi sang mô hình xanh, tuy nhiên để tiếp cận nguồn vốn vẫn là vấn đề khó khăn.

Trong Diễn đàn: “Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh” do Thời báo Ngân hàng tổ chức tại Đà Nẵng chiều ngày 9/5, các chuyên gia đã làm rõ các vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển, quy hoạch, và hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường của các khu công nghiệp (KCN). Cùng với đó, đề xuất tháo gỡ cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trong vấn đề tiếp cận tín dụng xanh.

6d05287a5ae5e8bbb1f4.jpg
Diễn đàn: “Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh” do Thời báo Ngân hàng tổ chức tại Đà Nẵng vào chiều ngày 9/5.

Thông tin từ ban tổ chức, sau hơn hai thập niên đẩy mạnh thu hút đầu tư, Việt Nam hiện có hơn 400 khu công nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp đã tạo áp lực lớn lên môi trường, đặc biệt trong xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn.

Trong bối cảnh hiện tại, các khu công nghiệp, khu chế xuất truyền thống nay đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển mình sang mô hình xanh. Đây không chỉ là bước đi đáp ứng xu thế toàn cầu về phát triển bền vững, mà còn là chìa khóa để các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao và định hình tương lai công nghiệp trong kỷ nguyên mới.

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, câu chuyện phát triển xanh, kinh tế xanh là một vấn đề lớn của cả thế giới trong đó có Việt Nam, phải khẩn trương và quyết liệt để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải ròng. Theo vị này, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách để triển khai.

“Hiện tại, các quốc gia trên thế giới cũng đã đặt ra các yêu cầu gắt gao về chỉ số phát thải ròng, yếu tố bảo vệ môi trường trong các sản phẩm nhập khẩu, vì vậy nếu doanh nghiệp Việt Nam không ứng xử nhanh chóng với các quy định này thì sẽ rất khó khăn trong vấn đề cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Tú nói.

ongtu.jpg
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN phát triển xanh, kinh tế xanh là một vấn đề lớn của cả thế giới trong đó có Việt Nam, phải khẩn trương và quyết liệt để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải ròng.

Để hỗ trợ mục tiêu cho phát triển xanh, khu công nghiệp xanh, ông Tú cho biết ngành ngân hàng thời gian quan đã ưu tiên nguồn vốn, không chỉ vốn ngắn hạn mà còn nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, nền kinh tế. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần thêm rất nhiều giải pháp từ nhiều bên liên quan từ Trung ương tới địa phương để hỗ trợ mục tiêu phát triển xanh, trong đó có các khu công nghiệp xanh.

Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho hay trong tiến trình xanh hóa nền kinh tế, nhu cầu về nguồn lực tài chính – đặc biệt là vốn cho các hoạt động chuyển đổi xanh – đang ngày càng trở nên cấp thiết. Lãnh đạo Vụ Tín dụng cho rằng, các khu công nghiệp – nơi tiêu thụ nhiều năng lượng và tài nguyên – việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp xanh không chỉ là yêu cầu bắt buộc để thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế mà còn là cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

“Thời gian qua NHNN định hướng mục tiêu, yêu cầu và xây dựng các giải pháp thúc thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu,... Đồng thời, NHNN đẩy mạnh hướng dẫn các tổ chức tín dụng xác định, thống kê hoạt động cấp tín dụng cho 12 lĩnh vực xanh và chỉ đạo tập trung vốn cho các ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiêu dùng bền vững, nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu”, bà Giang cho hay.

Tuy tốc độ và tỷ lệ cho vay tín dụng xanh cải thiện rõ nhưng vị này cũng cho rằng quá trình triển khai vẫn còn không ít rào cản. Đến nay, Danh mục phân loại xanh quốc gia vẫn chưa được ban hành, gây khó khăn trong việc xác định, thống kê, giám sát tín dụng xanh.

Cùng với đó, các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư cho tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh còn đang trong quá trình hoàn thiện. Trong khi huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án/lĩnh vực xanh trong nước và thị trường quốc tế còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ tình hình bất ổn về kinh tế - chính trị,...

Ở góc độ nghiên cứu địa phương, TS. Phùng Tấn Viết - Nguyên Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Đà Nẵng cho rằng việc phát triển tín dụng xanh tại các KCN thời gian qua còn chậm. Việc các KCN trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay đang chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái (xanh) bên cạnh những mặt thuận lợi thì hiện cũng đang gặp phải những thách thức và khó khăn nhất định.

Đầu tiên, TS. Viết nói đến việc cạn quỹ đất và thiếu vùng đệm để phát triển, đây là 02 giải pháp từng được đề cập nhiều để thúc đẩy các doanh nghiệp tại các KCN. Tiếp đến là nguồn kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ còn hạn chế, thủ tục còn lắm phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất.

“Nhiều quỹ tài chính xanh đã tạm ngưng các khoản vay hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc thắt chặt các chính sách, đối tượng cho vay. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn đang từng bước phục hồi và phát triển, việc thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất”, TS. Viết nói.

Tiếp đến là các điều kiện để được công nhận là KCN xanh (sinh thái) hiện nay còn một số bất cập và chưa được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, một số tiêu chí của KCN sinh thái như dữ liệu thông tin về nguyên liệu sản xuất và phát thải, mốc thời gian đối chiếu số liệu về sản xuất sạch hơn,… cần được hướng dẫn chi tiết hơn để có cơ sở đánh giá.

Với tín dụng xanh, TS. Phùng Tấn Viết cho rằng cũng gặp những khó khăn nhất định cần tháo gỡ như các quy định, định nghĩa cụ thể về danh mục, ngành, lĩnh vực xanh chưa được thống nhất áp dụng chung trên cả nước. Vì vậy, các Ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng. Hệ thống ngân hàng chưa có cơ sở để đánh giá đầy đủ dữ liệu quy mô hoạt động tín dụng xanh đối với nền kinh tế

Việc đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực kinh tế xanh nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các Tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ khó tiếp cận “vốn xanh” cho các khu công nghiệp xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO