Kể từ tháng 4, một số quốc gia Đông Nam Á bắt đầu chào đón khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ mà không yêu cầu kiểm dịch hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi khởi hành.
Đến nay, các nước ASEAN dần loại bỏ hầu hết các quy định phòng chống dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy ngành du lịch phục hồi. Ngành du lịch đang được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của các quốc gia Đông Nam Á.
Quy định phòng chống dịch đồng loạt được dỡ bỏ
Thái Lan là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất thế giới. Chính phủ nước này đã quyết định bỏ yêu cầu đăng ký trực tuyến cho những người nhập cảnh vào đất nước này thông qua hệ thống Thẻ thông hành Thái Lan (Thailand Pass).
Điều này có nghĩa là các rào cản nhập cảnh của Thái Lan được dỡ bỏ ngay trước mùa Hè - mùa du lịch cao điểm đối với du khách Ấn Độ và Trung Đông, lượng khách mà chính phủ nước này hy vọng sẽ bù đắp cho sự sụt giảm số lượng và sức chi của du khách Trung Quốc.
Chính phủ Thái Lan kỳ vọng ngành du lịch sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước này khi các dấu hiệu lạm phát đình trệ ở Mỹ và châu Âu làm lu mờ triển vọng đối với các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao của quốc gia này.
Chính quyền Thái Lan cũng đang nới lỏng các quy định phòng chống Covid-19 trong nước. Cụ thể là, không yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời và các khách sạn sẽ có thể phục vụ đồ uống có cồn trước 5 giờ chiều; thời gian đóng cửa sẽ được kéo dài đến 2h sáng đối với các địa điểm vui chơi giải trí....Tuy nhiên, khẩu trang vẫn sẽ được yêu cầu đối với nhân viên phục vụ và tất cả mọi người tham dự các sự kiện có hơn 2.000 người.
Với việc loại bỏ các quy định về phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Du lịch Phiphat Ratchakitprakarn dự kiến lượng du khách hàng ngày sẽ tăng lên 25.000 - 30.000 người, tổng cộng từ 7,5 triệu - 10 triệu lượt khách vào cuối năm nay.
Du lịch là một nguồn thu và ngành tạo công ăn việc làm chính ở Đông Nam Á, với hơn 140 triệu du khách (chiếm khoảng 10% tổng số khách du lịch trên thế giới) đến khu vực này vào năm 2019. Do đó, các quốc gia ASEAN đang gấp rút hồi phục nhằm khuyến khích, thu hút du khách.
Kể từ tháng 4, một số quốc gia Đông Nam Á bắt đầu chào đón khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ mà không yêu cầu kiểm dịch hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi khởi hành. Hầu hết các địa điểm du lịch trong khu vực đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời.
Tại Việt Nam, mặc dù chính phủ chưa chính thức dỡ bỏ quy định nhưng nhiều người đã không còn đeo khẩu trang.
Indonesia cũng tuyên bố hồi đầu tháng 6 rằng họ sẽ không còn yêu cầu khách du lịch phải có bảo hiểm y tế như một điều kiện nhập cảnh. Vào tháng 5, chính phủ nước này đã loại bỏ yêu cầu du khách phải xuất trình xét nghiệm PCR âm tính. Mặt khác, khách du lịch nước ngoài vẫn phải tải xuống ứng dụng theo dõi PeduliLindungi để vào các cơ sở như trung tâm mua sắm.
Kỳ vọng sự "bùng nổ"
Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno dự báo lượng khách du lịch tới nước này sẽ đạt đỉnh vào tháng 7 và tháng 8 năm nay. Năm nay, Indonesia hy vọng sẽ thu hút khoảng 1,8 triệu đến 3,6 triệu khách du lịch nước ngoài với phần lớn lượng khách dự kiến đến từ Australia, Singapore và Malaysia.
Ông Uno hy vọng rằng "một khi đại dịch được kiểm soát, số lượng các chuyến bay đến Indonesia, đặc biệt là Bali, sẽ tăng lên. Chúng tôi lạc quan rằng mục tiêu của các hoạt động du lịch sẽ đạt được trong năm nay".
Mặc dù vậy, một số quốc gia trong khu vực này vẫn còn một số hạn chế nhằm phòng chống dịch, ví dụ như ở Philippines, nơi du lịch chiếm 1/5 GDP trước đại dịch, du khách trong nước vẫn phải đăng ký trực tuyến với Cục Kiểm dịch của nước này, tương tự như Thailand Pass.
Lượng khách quốc tế vào Việt Nam còn khiêm tốn
Tuy nhiên, về phía Việt Nam, cả nước chỉ đón 413.400 lượt khách du lịch quốc tế trong 6 tháng qua, tức là chỉ đạt 10% so với kế hoạch mà Tổng cục Du lịch đề ra. Theo bà Trần Thị Phương Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch, hiện vẫn còn nhiều thách thức cho việc phục hồi du lịch thế giới. Trước hết là việc khách du lịch lo lắng sẽ nhiễm Covid-19 trong chuyến du lịch và mắc kẹt tại nước ngoài. Các rủi ro về cách ly, ảnh hưởng sức khoẻ, chi phí cao… khiến du khách còn e ngại đi du lịch quốc tế. Vì thế Việt Nam cần có những chỉ dẫn cụ thể cho du khách về các bước thực hiện khi phát hiện mắc Covid-19; các đầu số hotline hỗ trợ du khách.
Một số quốc gia là thị trường nguồn khách lớn như Trung Quốc vẫn đang đóng cửa, hay Hàn Quốc, Nhật Bản còn áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh, test Covid-19 phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phục hồi du lịch quốc tế. Vì thế trước mắt, Việt Nam cần tích cực quảng bá thông tin Việt Nam đã mở cửa thông qua hình thức trực tuyến/trực tiếp và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón lượng lớn khách từ 3 nước Đông Bắc Á khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và khách Hàn Quốc, Nhật Bản sẵn sàng đi du lịch.
Bên cạnh đó, sự không đồng nhất về thủ tục nhập cảnh, yêu cầu y tế giữa các quốc gia cũng khiến khách du lịch lo ngại và hạn chế việc kết nối các điểm đến, kéo dài chuyến đi. Vì thế chúng ta cần tăng cường cập nhật về các quy định nhập cảnh cởi mở của Việt Nam với các nước trong khu vực là điểm đến kết nối truyền thông của ta như Thái Lan, Campuchia, Lào... Đồng thời hỗ trợ có hướng dẫn trong trường hợp du khách muốn test Covid-19 để kết nối tới một điểm đến khác sau khi rời Việt Nam.
Bà Nhung cũng đề cập đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành du lịch sau hai năm đại dịch hay ảnh hưởng của kinh tế - chính trị thế giới sẽ tạo ra một số thách thức đòi hỏi du lịch Việt Nam phải tiếp tục theo dõi để xem xét đưa ra các ứng phó phù hợp như các gói du lịch ưu đãi, khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ cho phép khách linh hoạt điều chỉnh dịch vụ đã đặt, ứng dụng công nghệ xanh để giảm chi phí vận hành của chuỗi cung ứng du lịch...
Có thể bạn quan tâm
12:00, 10/07/2022
01:00, 10/07/2022
00:30, 09/07/2022
22:12, 07/07/2022
04:15, 06/07/2022