Gỡ “nút thắt” giải ngân vốn đầu tư công

NGUYỄN VIỆT thực hiện 30/07/2024 03:31

Nửa đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước không những không tăng mà còn có dấu hiệu chững lại.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với GS,TS. Ngô Thắng Lợi, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh vấn đề này.

>>Nhiều vướng mắc tiếp tục gây khó cho giải ngân vốn đầu tư công

- Rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được đưa ra nhưng kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng, thưa ông?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.669,384 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%. Trong đó, vốn trong nước là 194.270,6 tỷ đồng (đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 2.399,1 tỷ đồng (đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.781,7 tỷ đồng, đạt 78,23% kế hoạch, Chương trình Mục tiêu quốc gia là 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch. Theo Bộ KH&ĐT, đến nay vẫn còn 32/44 Bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, TP. HCM.

Riêng Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tỷ lê giải ngân dưới 15%. Đặc biệt có một số đơn vị như Viện Hàn lâm khoa học và công nghẹ, ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội… tỷ lệ giải ngân 0%.

Thậm chí, một số dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành như giao thông vận tải, giao thông liên vùng còn chưa giải ngân, nhiều ựu án tỷ lệ giải ngân dưới 5%. Hệ lụy không mong muốn của việc giải ngân đầu tư công chậm đã làm giảm tính động lực quan trọng của công tác này trong việc thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng năm 2024. Nguồn: Bộ Tài Chính

Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng năm 2024. Nguồn: Bộ Tài Chính

- Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần phải gỡ những “nút thắt” về giải phóng mặt bằng và phân cấp, phân quyền thì mới có thể tăng tốc độ giải ngân vốn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo quan điểm của tôi, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân như vướng mắc về cơ chế chính sách, công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Tuy nhiên, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vấn đề phân cấp phân quyền, được xem là “nút thắt” của quá trình giải ngân chậm.

Về giải phóng mặt bằng, một số dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn. Các địa phương còn lúng túng trong trong xác định đơn giá đên bù giải phóng mặt bằng, chưa có quy định về thanh toán chi phí tư vấn khảo sát trong đơn gía đền bù giải phóng mặt bằng.

Người dân còn chưa đồng thuận về đơn gía, vị trí tái định cư dể bàn giao mặt bằng, nhiều trường hợp chưa phê duyệt hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng nên người dân còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư.

Về phân cấp, phân quyền trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công còn những biểu hiện thiếu hợp lý. Đối với các Chương trình Mục tiêu quốc gia, nhiều quy định của các dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa sát với thực tế, các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ, đầy đủ, nhất là văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp thực hiện chương trình.

Một số nội dung văn bản khó thực hiện, chưa phân cấp triệt để địa phương chủ động triển khai. Công tác khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, đặc biệt là khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn thấp so với giá thị trường, dẫn đến khi triển khai thực hiện nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định đầu tư đã phê duyệt và vượt tổng mức đầu tư.

- Ông có đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ “nút thắt” này?

Thứ nhất, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý. Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.

Thứ hai, cần xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án, trên cơ sở đó chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vùng thực hiện dự án trong tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan cho chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng. Tính toán đầy đủ các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật phải di chuyển, để ưu tiên thực hiện trước, tránh xảy ra vướng mắc và phát sinh chi phí trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện, phần vốn còn lại mới bố trí cho phần xây lắp và chi phí khác, không được để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, trọng điểm, đường liên vùng, đường ven biển.

Thứ tư, chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội tham gia tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều vướng mắc tiếp tục gây khó cho giải ngân vốn đầu tư công

    11:06, 16/07/2024

  • Hải Dương: Tìm lời giải bài toán giải ngân vốn đầu tư công

    06:09, 16/07/2024

  • Hải Phòng: “Ì ạch” giải ngân vốn đầu tư công

    00:28, 15/07/2024

  • Giải ngân vốn đầu tư công Nghệ An: Thách thức và kỳ vọng!

    13:23, 14/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ “nút thắt” giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO