Tại Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ là yếu tố quan trọng để tăng tỷ lệ hàm lượng nội địa trong hàng hóa, giúp đáp ứng quy tắc xuất xứ và tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA.
Đây là chia sẻ của Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Thưa ông, vì sao doanh nghiệp Việt gặp khó khi tuân thủ quy tắc xuất xứ trong các FTA?
Quy tắc xuất xứ trong các FTA vốn dĩ không phải là rào cản, bởi đây là nguyên tắc đã được quốc tế hóa và áp dụng từ lâu. Việc đầu tư nghiêm túc vào xây dựng năng lực đáp ứng các quy tắc này trong bối cảnh hiện nay không chỉ giúp doanh nghiệp đối phó với chính sách thuế của Mỹ mà còn mở rộng cơ hội ở nhiều thị trường khác. Tuy nhiên, trong thực tiễn, vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt chưa thể đáp ứng được do nhiều nguyên nhân.
Vướng mắc lớn nhất nằm ở việc sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt trong các ngành như dệt may, da giày hay điện tử. Trong trường hợp này, sản phẩm muốn được coi là có xuất xứ hợp lệ để được ưu đãi thuế thì phải đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi mã HS (Hệ thống mã số hàng hóa) - tức mã HS của nguyên phụ liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra phải khác nhau, chứng minh rằng đã có sự gia công, chế biến thực chất. Ngoài ra, còn có quy định về hàm lượng nội địa, tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước phải đạt một ngưỡng nhất định.
Thứ hai, quy định về quy tắc xuất xứ không phải là rào cản mới, mà đã tồn tại trong tất cả các FTA từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự hiểu rõ hoặc chưa đầu tư đúng mức vào việc tuân thủ các quy định này. Một phần là do hạn chế về năng lực tiếp cận thông tin, phần khác là do thiếu chiến lược chủ động tìm nguồn nguyên phụ liệu phù hợp trong nước hoặc từ các quốc gia đã ký FTA với Việt Nam. Khi không chuẩn bị được chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp buộc phải sử dụng nguồn nguyên liệu từ những nước ngoài khối, dẫn đến không đạt chuẩn về xuất xứ.
Thứ ba, khó khăn còn đến từ năng lực sản xuất trong nước. Một số công đoạn sản xuất chủ chốt - như nhuộm vải trong ngành dệt may - hiện vẫn phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp lớn. Do đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tự hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín trong nước, dẫn đến việc phải gia công bên ngoài, thậm chí đưa ra nước ngoài để hoàn tất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ mà còn khiến họ đánh mất cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan.
Trong bối cảnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò thế nào? Nhà nước cần làm gì để thúc đẩy, thưa ông?
Phát triển công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao tỷ lệ hàm lượng nội địa của hàng hóa xuất khẩu - yếu tố cốt lõi để đáp ứng quy tắc xuất xứ và tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là bài toán chiến lược mà Việt Nam đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ, đòi hỏi nỗ lực song hành của cả Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía Nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ và thiết thực hơn. Trước hết, Nhà nước cần cụ thể hóa các gói hỗ trợ về thuế, tín dụng, hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nhân lực dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ... Những chính sách này phải hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, và hình thành các chuỗi liên kết ngành. Có như vậy, Việt Nam mới từng bước làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao năng lực sản xuất nội địa, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về xuất xứ hàng hóa trong các FTA thế hệ mới.
Bên cạnh đó, phải siết chặt tình trạng gian lận xuất xứ để tạo sân chơi công bằng. Gian lận xuất xứ hiện tồn tại ở nhiều hình thức, từ việc khai sai, xin cấp chứng nhận giả... Những hành vi này không chỉ gây tổn hại uy tín quốc gia mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, công khai danh sách vi phạm để tăng tính răn đe.
Về phía doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cần chủ động rà soát lại chuỗi cung ứng của mình, đánh giá các khâu còn yếu, còn lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, từ đó có đề xuất cụ thể để kiến nghị với Nhà nước.
Đối với hoạt động hậu kiểm xuất xứ, theo ông cần làm gì để hoạt động này minh bạch, công bằng và bảo vệ doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định?
Trước hết, doanh nghiệp khi sản xuất sản phẩm cần chủ động bảo vệ mình trước. Cụ thể, cần đảm bảo rõ ràng về xuất xứ nguyên liệu đầu vào; tiếp theo là hệ thống sổ sách, chứng từ đầy đủ; và cuối cùng là ứng dụng công nghệ để minh bạch quy trình. Nếu doanh nghiệp làm đúng và đầy đủ ngay từ đầu thì chi phí cho công tác hậu kiểm là không lớn.
Đồng hành với doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cần theo dõi sát biến động về xuất xứ để kịp thời phát hiện những bất thường. Nếu mức xuất khẩu không có nhiều biến động so với năng lực sản xuất, thì chỉ cần hậu kiểm có tính răn đe. Ngược lại, khi phát hiện dấu hiệu tăng bất thường, cần phối hợp với cơ quan nhà nước để tiến hành hậu kiểm nghiêm ngặt, nhằm ngăn chặn gian lận và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng có thể theo dõi số lượng C/O được cấp trong từng ngành. Nếu nhận thấy C/O giảm đột ngột, có thể là dấu hiệu của tình trạng làm giả, làm chui giấy chứng nhận xuất xứ. Khi đó, cần báo ngay cho cơ quan nhà nước để kiểm tra và xử lý kịp thời.
Đặc biệt, về phía cơ quan quản lý nhà nước, việc hậu kiểm cần được thực hiện có trọng tâm, không kiểm tra tràn lan mà phải dựa trên xác suất và phân tích rủi ro. Đồng thời, nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại như công nghệ truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, nhiều mặt hàng như cá, tôm, sầu riêng đã có thể áp dụng công nghệ này hiệu quả, nhờ đó vừa tăng tính minh bạch, đảm bảo sức răn đe đối với hành vi gian lận, vừa giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!