Cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ và có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa để tận dụng tối đa những ưu đãi thuế quan.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập sâu trên thế giới với các cam kết trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA)... Đây được xem là một trong các yếu tố giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua tăng ở mức trung bình 22% - 23% mỗi năm, từ 114,5 tỷ USD năm 2012 lên 354,7 tỷ USD năm 2023 và 11 tháng năm 2024 đạt 369,9 tỷ USD.
Trong các FTA mà Việt Nam tham gia, xuất xứ hàng hóa luôn là một nội dung quan trọng mà các nước thành viên cần đàm phán thống nhất nhằm đảm bảo tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA. Mức thuế quan nhập khẩu ưu đãi trong khuôn khổ các FTA có thể chênh lệch từ 10% đến 40% so với thuế tối huệ quốc (MFN) giữa các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, số lượng C/O ưu đãi được cấp trong giai đoạn từ 2020 đến nay tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm, năm 2024 dự kiến tăng 18% so với năm 2023. Đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 42 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất xứ hàng hoá hướng dẫn thủ tục cấp C/O và thực hiện quy tắc xuất xứ theo cam kết mà Việt Nam tham gia.
Ông Trần Ngọc Bình, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương cho biết, C/O là yếu tố quyết định để doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan từ FTA.
“C/O không chỉ là giấy tờ xác định nguồn gốc hàng hóa, mà còn là công cụ để doanh nghiệp tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại quốc tế”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, Việt Nam hiện đã ký kết và thực thi 16 hiệp định FTA, tuy nhiên, để hàng hóa xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp cần nắm vững quy tắc xuất xứ của từng hiệp định và thị trường xuất khẩu. Quy tắc xuất xứ còn đóng vai trò như "lá chắn" bảo vệ các nền kinh tế trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh, buộc doanh nghiệp phải hiểu rõ các quy định này để đảm bảo quyền lợi cho sản phẩm của mình.
Là doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang Nhật Bản, đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kantaro (TP Vũng Tàu) cho biết, doanh nghiệp đã thành công trong việc tận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm. Mỗi năm, công ty xuất khẩu gần 40 container thực phẩm sang thị trường Nhật Bản. Việc hiểu và tuân thủ đúng quy tắc xuất xứ là chìa khóa để sản phẩm của họ đạt được tiêu chuẩn khắt khe từ Nhật Bản và các thị trường khác.
"Nhật Bản là một thị trường rất khó tính, không chỉ về chất lượng, mà còn về quy định xuất xứ hàng hóa. Chúng tôi phải đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ để chứng minh sản phẩm tuân thủ quy định của FTA, qua đó hưởng các ưu đãi thuế quan", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc thù, không chỉ gắn với việc hưởng thuế ưu đãi từ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà các nước dành cho Việt Nam mà còn cả chiều ngược lại Việt Nam dành ưu đãi cho các nước.
Bộ Công Thương với vai trò được Chính phủ giao là tổ chức việc thực hiện cấp C/O, sẽ tiếp tục có cái nhìn toàn diện về công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa trong thời gian qua, từ đó sẽ đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo môi trường cơ chế chính sách minh bạch để doanh nghiệp tận dụng các cam kết thuế quan ưu đãi; cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch lại hệ thống tổ chức cấp C/O theo hướng hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh áp dụng hình thức chứng nhận xuất xứ điện tử ở cấp độ phù hợp với từng đối tác; tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu…