Nhiều sản phẩm bột ngọt (mì chính) không rõ nguyên liệu nhập từ nước nào được san chia, đóng gói và tiêu thụ tràn lan trong nước dẫn đến lo ngại của người tiêu dùng.
Cùng với đó, là mối lo cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, dẫn đến hiện trạng các doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể bị ảnh hưởng.
Gửi thông tin về tòa soạn bày tỏ những lo ngại liên quan đến các sản phẩm bột ngọt (mì chính) không rõ nguyên liệu nhập từ nước nào được san chia, đóng gói và tiêu thụ trong nước, chị Lê Thị H. (quận 7, TPHCM) cho biết chị khá lo lắng khi lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm bột ngọt (mì chính) không rõ nguồn gốc này.
Theo phản ánh, chị H. cho biết nhận thấy có nhiều sản phẩm bột ngọt được bày bán trên thị trường với nhiều thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thì hầu như không thấy thông tin về tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất ra sản phẩm bột ngọt này trước khi đóng gói, cũng như không thấy rõ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, ngày tháng ghi trên bao bì nhiều sản phẩm cũng không thể phân biệt được là ngày sản xuất hay là ngày đóng gói.
Đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường tiêu thụ lớn, cũng có hiện tượng các công ty đóng gói lại các sản phẩm bột ngọt này được bày bán trên thị trường. Trong đó, có sản phẩm bột ngọt Meizan là 1 nhãn hiệu nổi tiếng nhưng cũng không có ghi rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất ra sản phẩm bột ngọt trước khi được đóng gói tại Việt Nam.
Việc các sản phẩm này được bán tràn lan trên thị trường, độc giả lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình, cũng như những người mua phải các sản phẩm bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ này và mong được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho kiểm tra các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của các loại sản phẩm bột ngọt này, để thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng được biết; làm minh bạch về các sản phẩm phụ gia thực phẩm này có nguồn gốc từ đâu, có an toàn để sử dụng hay không nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu, hiện các cơ quan chức năng đã ban hành các quy định liên quan đến nhãn hàng hóa. Cụ thể, theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Nghị định 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa có bao gồm tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và quan trọng là xuất xứ hàng hóa.
Còn theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 7 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP có quy định cách ghi xuất xứ hàng hóa cụ thể là: “phải ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ thì mới ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa được thể hiện bằng một trong các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm có:
1. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa;
Về cách ghi tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đối với hàng hóa đóng gói, đóng chai:
Theo khoản 6 Điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định: “Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép”.
Theo khoản 3 Điều 6 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ngày 26/6/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết thi hành khoản 6 Điều 12 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
“Hàng hóa chỉ thực hiện việc san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai khi được tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa cho phép và phải bảo đảm chất lượng như công bố của nhà sản xuất trên nhãn gốc.
Ví dụ: cho phép san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai theo hợp đồng.
Hàng hóa được san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đóng gói, đóng chai và ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai”.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm có quy định yêu cầu đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm như sau:
“Chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản".
Thông tin về xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 7 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP như sau:
"1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.
2. Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.
3. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt".
Trên thực tế, nhiều sản phẩm bột ngọt (mì chính) cũng đã được cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính. Đơn cử sản phẩm "Bột ngọt SELA"; Thông tin trên bao bì ghi: Sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên SELA tím, có địa chỉ tại số 64H3 Nguyễn Trường Tộ, phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên. Nơi đóng gói: Địa điểm kinh doanh Thoại Sơn - Công ty TNHH một thành viên SELA tím, tỉnh lộ 943, tổ 14, ấp Hòa Thới, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Qua quan sát trên bao bì sản phẩm này, không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai theo quy định. Ngoài ra, cũng không đề thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Được biết, Công ty TNHH một thành viên SELA tím đã bị Đội Quản lý thị trường số 3 Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ hàng hóa sau một đợt kiểm tra vào ngày 23/10 vì hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định.
Với các thông tin phản ánh của độc giả và ghi nhận thực tế, chúng tôi chuyển thông tin trên đến các cơ quan chức năng liên quan đề nghị kiểm tra, rà soát nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa được thực hiện nghiêm túc.
Theo phản ánh, hàng loạt sản phẩm bột ngọt trên thị trường như "Bột ngọt (mì chính) Phuta 777"; "Bột ngọt (mì chính) Vua - King"; "Bột ngọt (mì chính) Aji - Gold"; "Mì chính (Bột ngọt) Arion"; "Bột ngọt (mì chính) Kimochi"; "Bột ngọt (mì chính) Fuji-Moto"; "Bột ngọt (mì chính) Sakara"... không ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số sản phẩm cũng không ghi đầy đủ thông tin theo quy định trên bao bì hàng hóa, như sản phẩm có tên "Bột ngọt (mì chính) Aj-Food"; "Bột ngọt (mì chính) Han'Ei Suru"; "Bột ngọt (mì chính) Kjmoto"; "Bột ngọt Meizan"; "Bột ngọt (mì chính) Oji - Star"... đều không tìm thấy thông tin ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như không tìm thấy thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định. Riêng sản phẩm có tên "Bột ngọt Queen" của Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Bình trên bao bì có ghi thông tin "Xuất xứ: Trung Quốc", tuy nhiên không ghi rõ thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói theo quy định.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm bột ngọt (mì chính) được đóng gói trong nước nhưng không ghi thông tin về tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai trên bao bì sản phẩm; không ghi rõ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ.
Thông tin tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-43-2017-ND-CP-nhan-hang-hoa-346310.aspx