Không chỉ là gỡ "thẻ vàng", đây còn là động lực đổi mới nghề cá, là cơ hội để hải sản Việt nâng cấp, tăng thêm uy tín và mở cơ hội lớn vào các thị trường khó tính.
>>Gỡ “thẻ vàng” IUU: EC đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam
Trong đợt thanh tra thực tế lần thứ tư, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu đã làm việc tại hai tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định.
Chia sẻ về những kết quả sơ bộ sau khi Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) thanh tra thực tế lần thứ tư về chống khai thai hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Đoàn tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Đoàn cũng đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và sự chỉ đạo rất sát sao từ Trung ương của Việt Nam. Đoàn cũng đồng tình với Việt Nam rằng, việc chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm đã có sự chuyển biến tích cực.
Về khung pháp lý, Đoàn cơ bản thống nhất với dự thảo 2 nghị định sửa đổi, bổ sung đối với: Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Về kết quả chính thức, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Đoàn thanh tra phải báo cáo với Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), việc gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam lúc đó mới có kết luận.
Tuy nhiên, từ nay đến lần kiểm tra tiếp theo (dự kiến tháng 5-6/2024), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất lãnh đạo các tỉnh thành ven biển phải tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên liên tục và đồng bộ các giải pháp thì Việt Nam mới có khả năng gỡ “thẻ vàng”. Các tỉnh có hệ thống kết nối với thiết bị VMS thì phải trực 24/24 để phát hiện sớm tàu vượt ranh giới, mất kết nối. Đặc biệt là thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khẩn trương đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân còn thiếu trách nhiệm tại địa phương.
>>>Cấp bách gỡ “thẻ vàng” IUU trong tháng 10
Như vậy, gần 6 năm kể từ khi nhận “thẻ vàng” IUU của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam vẫn đang nỗ lực không ngừng để chống lại hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, hướng tới gỡ thẻ cho toàn ngành.
Tại thời điểm “rút thẻ vàng” đối với Việt Nam, EC đưa ra 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ. Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn 4 khuyến nghị, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và thực thi pháp luật.
Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều hành động theo 4 nhóm khuyến nghị này, như: Lắp đặt thiết bị theo dõi với tàu cá có chiều dài 15m trở lên; liên tiếp mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá có hành vi khai thác IUU.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cả hệ thống đang vào cuộc vì nếu không gỡ được "thẻ vàng" trong năm nay, phải 1-2 năm nữa mới có thể làm được bởi châu Âu bầu cử chính quyền mới vào tháng 4/2024, phải làm việc lại từ đầu.
Ngày 23/10/2017, EC đã đưa ra cảnh báo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) với Việt Nam.
Xác định việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ trọng tâm, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành đã lập tức vào cuộc. Ngày 20/5/2019, Thủ tướng ban hành quyết định số 596/QĐ-TTg về việc hành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU.
Trong năm 2018, 2019 Bộ NN&PTNT đã ban hành, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản 2017, nhằm đảm bảo tương thích với quy định quốc tế. Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành 13 quyết định phê duyệt các chương trình, kế hoạch về chống khai thác IUU, 28 các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU…
Sau lần kiểm tra của EC vào tháng 10/2022, trong một năm qua, Ban chỉ đạo quốc gia cũng như lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì bốn cuộc họp, trực tiếp đến các địa phương để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Bộ NN&PTNT cũng tổ chức nhiều chuyến kiểm tra, hướng dẫn các địa phương ven biển.
Trong lần đánh giá thứ tư này của EC, Bộ NN&PTNT nêu quan điểm: Tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống khai thác IUU, tiến tới hài hòa quy định quốc tế và phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản Việt Nam.
Đồng thời, tạo được niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau đối với hiện trạng, những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU cũng như trong chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua thực thi Luật Thủy sản 2017.
Thể hiện việc chủ động tăng cường hợp tác với EU trong việc thúc đẩy và triển khai có kết quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu tại “cảnh báo thẻ vàng” về khai thác IUU.
Mới đây nhất, ngày 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU, chuẩn bị đón và làm việc với EC lần thứ tư.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt khai thác IUU.
"Các địa phương phải hợp tác, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, không đối phó để có kết quả tốt nhất trong đợt thanh tra của EC", Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các địa phương và người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản trên biển, khai thác, đánh bắt hiệu quả nhưng bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Theo Thủ tướng, chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chúng ta, chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC
"Đánh bắt thủy hải sản là sinh kế lâu đời của ngư dân. Do đó, việc chuyển đổi không phải là việc dễ trong ngày một, ngày hai mà chúng ta phải kiên trì thực hiện", Thủ tướng nói.
Theo Bộ NN&PTNT, sau hơn 5 năm bị cảnh báo "thẻ vàng" IUU, quá trình gỡ thẻ của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực và kết quả khả quan.
Cụ thể, tại lần kiểm tra thứ tư có tính quyết định này, Đoàn cũng đánh giá sự chuyển biến tích cực, đi đúng hướng và sự chỉ đạo rất sát sao từ Trung ương của Việt Nam. Vấn đề mẫu chốt kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế tại địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.
Do đó, Đoàn thanh tra đề nghị kiểm soát, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; không để tàu mất kết nối 10 ngày; không để tàu 3 không như: không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép; và tỷ lệ xử phạt còn rất thấp. Đối với nguyên liệu nhập khẩu bằng tàu container (đối với loài cá cờ kiếm, cá ngừ vây ngực dài).
Đoàn tiếp tục khuyến nghị Việt Nam cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; các doanh nghiệp làm ăn phi pháp.
Đoàn cũng khuyến nghị các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá tạo sự chuyền biến trên thực tế; kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU.
Từ góc độ khác, các chuyên gia đánh giá “thẻ vàng” IUU là một nguy cơ lớn nhưng dưới góc độ tích cực, đây là một đợt “sát hạch” quan trọng để Việt Nam nhìn lại mình. Gỡ được thẻ vàng, tránh bị "thẻ đỏ" là cơ hội để hải sản Việt nâng cấp, tăng thêm uy tín và mở cơ hội lớn vào các thị trường khó tính.
“Thẻ vàng” IUU là động lực để đổi mới nghề cá của Việt Nam theo hướng tốt hơn, có trách nhiệm hơn. EU là thị trường có những yêu cầu khắt khe nhất, khi khắc phục được tất cả khuyến cáo của EC đồng nghĩa với việc chúng ta tạo ra được chuỗi sản xuất bền vững, tự tin xuất khẩu các sản phẩm thủy sản các thị trường khác.
Với sự nỗ lực cao độ của Chính phủ, các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân, cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam đang sắp trở thành hiện thực.
Có thể bạn quan tâm
03:29, 04/10/2023
14:19, 30/09/2023
02:17, 29/08/2023