Sẽ sớm có một nghị quyết riêng của Chính phủ để xử lý các vướng mắc trong việc triển khai các dự án do những “ông lớn” thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Hơn một năm chuyển từ các bộ chủ quản về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV còn được gọi là "siêu ủy ban"), các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn vướng hàng loạt bất cập, thậm chí có nguy cơ dừng hoạt động. Một số DNNN xin chuyển về bộ chủ quản như trước kia.
Nhiều doanh nghiệp rơi vào "thế bí"
Câu chuyện "đầu đi chân ở lại" thời gian qua được nhiều người dùng để nói về tình trạng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau gần 2 năm chuyển đại diện phần vốn nhà nước từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (siêu Ủy ban quản lý vốn).
Chiều 28/3 đã diễn ra cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu. Nghị quyết này được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động của Ủy ban.
Tuy nhiên, câu chuyện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau khi chuyển về siêu uỷ ban quản lý vốn lại khiến doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ dừng chạy tàu vì không được giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu do vướng Điều 49 Luật ngân sách nhà nước. Vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nên doanh nghiệp này không được Bộ giao vốn.
Do đó, từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 10.000 người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.
Câu chuyện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không phải là trường hợp khó khăn, bế tắc duy nhất của các doanh nghiệp sau khi chuyển về siêu Ủy ban quản lý vốn. Hiện nhiều tập đoàn, tổng công ty với số vốn và tài sản lên đến hàng triệu tỷ đồng đang phải loay hoay với hàng loạt dự án quan trọng của quốc gia từ đường sắt, cao tốc, thủy điện, cầu cảng… trong thế đói vốn, ách tắc vì chuyển về siêu Ủy ban.
Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sau khi chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải sang siêu Ủy ban quản lý vốn nhà nước, từ tháng 9/2018 đến nay đơn vị này vẫn chưa xác định được bên nào là cơ quan chủ trì xử lý các vấn đề của VEC.
Việc này dẫn tới các vấn đề hệ trọng như giao kế hoạch vốn đầu tư công, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, kế hoạch lựa chọn nhà thầu với các gói thầu mới... mà VEC đệ trình đều đang đình trệ. Tại dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành (vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB) từ tháng 1/2019 đến nay chưa được giao vốn đầu tư công (cho phần vốn đối ứng), ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, giải ngân, phát sinh nhiều khiếu kiện từ các nhà thầu.
Cùng với đó, vướng mắc về việc giao vốn ODA do quá trình tái cơ cấu 5 dự án cao tốc khác của VEC khiến dự án này tắc vốn đủ mọi bề. Riêng gói thầu J1 (xây dựng cầu Bình Khánh) và J3 (cầu Phước Khánh), ước tính chi phí mà ngân sách có thể phải bồi thường cho 2 nhà thầu hàng trăm tỷ đồng (gồm chi phí kéo dài thời gian hợp đồng và chi phí chờ đợi của nhà thầu vì chưa được cấp vốn thi công).
Đây là lý do mới đây VEC đã kiến nghị phương án tạm dừng thi công các gói thầu do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, để giảm thiểu các rủi ro về pháp lý và nguy cơ thiệt hại kinh tế. VEC cũng kiến nghị tạm dừng thi công các gói thầu do ADB tài trợ trong trường hợp các thủ tục pháp lý thực hiện dự án chưa được tháo gỡ.
"Thế kẹt" của Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) lại xuất phát từ việc có vốn nhưng không đủ quy định để thực hiện. Hiện đường băng, đường lăn tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đều xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.
Từ năm 2017, ACV đã báo cáo dự án để nâng cấp sửa chữa, nhưng do vướng quy định về đầu tư công (do ACV đã cổ phần hóa, khu bay thuộc tài sản nhà nước) nên chưa thực hiện được. Bộ GTVT đã kiến nghị cho ACV ứng vốn làm trước, ngân sách trả nợ sau. Sau khi ACV chuyển giao về siêu Ủy ban quản lý vốn, những vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ, kết quả dự án nâng cấp, sửa chữa vẫn nằm trên giấy.
Hay quá trình bổ sung thêm vốn để "giải cứu" dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng tắc hơn 1 năm qua khiến lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) không ít lần phải "nổi cáu", ngay cả trong cuộc họp có sự đồng chủ trì của người đứng đầu của Siêu Uỷ ban quản lý vốn gần đây. Bởi theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh, dù các thành viên trong Hội đồng thành viên của PVN mỗi người đã ký một chữ ký nhưng bộ ngành cấp trên lại chần chừ, không có quyết sách cụ thể.
"Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng đồng tiền, nhưng phải bật đèn xanh cho chúng tôi đi… Nếu không có tiền thì đóng cửa dự án và tôi sẽ ký trả dự án, chấp nhận kỷ luật", ông Thanh bức xúc.
Đến nay, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa có chủ trương về tiếp tục giải ngân vốn chủ sở hữu. PVN lại phải tiếp tục kiến nghị cho phép doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt quá tổng mức đầu tư điều chỉnh được duyệt và PVN chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật đảm bảo nhà máy vận hành thương mại.
Đến Siêu Uỷ ban cũng "mắc kẹt"
Những vướng mắc của các Tập đoàn, doanh nghiệp trên cho thấy hành lang pháp lý cho việc hoạt động của một cơ quan mới như Ủy ban đang có vấn đề vướng mắc. Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban chưa "phủ" được hết những khó khăn này, khiến Ủy ban hoạt động trong tình thế thiếu "cây gậy pháp lý" rõ ràng, vững chắc.
Đây là điều đáng quan tâm khi, Ủy ban này tiếp nhận tới 19 "ông lớn" như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Cảng Hàng không… với vốn nhà nước lên tới gần 1,2 triệu tỉ đồng. Vì khoảng trống pháp lý ấy nên những phần việc thuộc trách nhiệm của siêu ủy ban này không được vận hành trơn tru, thống nhất.
Một lãnh đạo tập đoàn cho biết, sau khi tách chức năng quản lý ngành và đại diện chủ sở hữu, một dự án của doanh nghiệp vẫn phải có ý kiến của bộ quản lý ngành, Ủy ban và hàng chục bộ ngành, địa phương khác có liên quan. Bộ quản lý ngành cho ý kiến về thiết kế cơ sở dự án, còn Ủy ban là nơi duyệt dự án. Những công việc đó luôn chồng chéo và mất nhiều thời gian.
Ông này nhận định: "Ủy ban mới vận hành hơn 1 năm, có mô hình đặc thù, khác biệt (kể cả so với những mô hình tương tự ở Trung Quốc và Singapore) nên những bỡ ngỡ ban đầu là khó tránh khỏi. Nhưng muốn vậy, những khoảng trống pháp lý phải được lấp đầy, cán bộ của Ủy ban phải tinh nhuệ và dám chịu trách nhiệm… có như vậy Siêu Uỷ ban mới có cơ để hoạt động hiệu quả theo đúng mục đích, mong muốn ban đầu khi thành lập".
Vướng mắc trong quyết định chủ trương đầu tư
Ý tưởng thành lập Uỷ ban được thai nghén, bàn thảo suốt thời gian qua để thành lập. Ban đầu, người ta đưa ra ý tưởng thành lập một đơn vị thiên về kinh doanh vốn, thu hút được nhiều người có năng lực kinh doanh về làm việc, chứ không phải một đơn vị hành chính thông thường. Người đứng đầu, nhân sự bộ máy giống như các CEO, hưởng lương như doanh nghiệp thay vì lương công chức.
Tuy nhiên, khi ra đời, Ủy ban lại vận hành giống với một cơ quan hành chính nhà nước hơn là một tổ chức kinh doanh vốn.
Thực tế mấy năm qua Ủy ban đã chưa làm đúng bản chất của nó. Một trong những nguyên nhân là vì tư duy không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập theo thông lệ quốc tế.
TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, "Cha đẻ" của của đề án thành lập UBQLV cho rằng, một khi tư duy thay đổi thì hành động mới thay đổi, nếu vẫn còn vương vấn tư duy kế hoạch hóa tập trung với hành chính quan liêu, chưa dứt khoát, còn dùng dằng thì không thể chuyển động được.
"Vai trò của Ủy ban không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu để doanh nghiệp thực hiện, như giao tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh… chứ không phải đi giao từng dự án. Ủy ban phải làm như vậy, còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp" – ông nói.
Thêm nữa, ông Cung nói "Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp, vì dự án chỉ là công cụ đạt được mục tiêu mà thôi. Còn nếu Ủy ban cứ can thiệp từng dự án thì tôi tin rằng dù Ủy ban có hàng nghìn người cũng không làm được".
Mặt khác, nhân sự của Ủy ban cũng phải có tầm nhìn, giỏi ngang với những người giỏi nhất của các tập đoàn, tổng công ty mà mình quản lý. Mà muốn có những người giỏi như thế thì chắc chắn phải có cơ chế tiền lương theo thị trường lao động quốc tế, chứ không phải đưa những công chức từ chính quyền sang. "Ghế" ở "siêu Ủy ban" chắc chắn và không bao giờ nên là "ghế thử quyền lực".
Về những khó khăn khi vận hành của "siêu ủy ban", Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho hay, các khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án của các doanh nghiệp do Ủy ban quản lý có từ nhiều năm trước (trước thời điểm các doanh nghiệp chuyển về Ủy ban), hiện đang tiếp tục đang được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền, thậm chí một số dự án cần xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí Thư thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xử lý.
“Do vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, việc xác định tài sản công, tài sản doanh nghiệp, một số dự án nếu chưa được đánh giá đầy đủ, chưa có phương án đầu tư cụ thể, có nguy cơ mất vốn của nhà nước,… nên chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Theo quy định của pháp luật Ủy ban không có thẩm quyền quyết định việc triển khai các dự án này” - ông Nguyễn Hoàng Anh thông tin.
Đối với các dự án đầu tư mới, lãnh đạo “siêu ủy ban” cho biết theo quy định của Luật số 69/2014/QH13, Ủy ban chỉ phê duyệt, có ý kiến việc đầu tư các dự án từ nhóm A trở lên và các dự án có quy mô vốn lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, chứ không phải tất cả các dự án.
Quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công nêu rõ: Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia này là Quốc hội; các dự án lớn khác thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các dự án có sử dụng đất thậm chí thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là UBND cấp tỉnh; Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia (bao gồm cả các dự án sử dụng vốn của các doanh nghiệp do Ủy ban quản lý); Hội đồng thành viên quyết định đầu tư các dự án do doanh nghiệp quản lý sau khi có ý kiến của Ủy ban.
“Theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, để tránh lặp lại việc quyết định đầu tư một số dự án không hiệu quả, gây mất vốn của nhà nước, đối với các dự án khởi công mới có quy mô vốn lớn Ủy ban phải xem xét kỹ lưỡng về trình tự, thủ tục bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để mất vốn, tài sản, tài nguyên của nhà nước. Đây là những nhiệm vụ hết sức khó khăn, va chạm đến quyền lợi, lợi ích của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Cần định rõ thẩm quyền cho "siêu ủy ban"
Tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của doanh nghiệp do Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu tổ chức ngày 28/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình: sau hơn 1 năm hoạt động, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả bước đầu, song cũng phát sinh một số tồn tại, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động, thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp, trong đó có vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban cần khẩn trương tháo gỡ.
Để kịp thời xử lý các vướng mắc, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết này, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức rà soát, tổng hợp, đánh giá toàn diện những vướng mắc trong quá trình hoạt động của Uỷ ban để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý.
Trên thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang xem xét, chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động nêu trên của Uỷ ban cũng như của các doanh nghiệp do Uỷ ban làm đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, một số vướng mắc khác cũng đang được xem xét, xử lý trong từng trường hợp cụ thể hoặc trong khuôn khổ các đề án, báo cáo riêng.
Do vậy, dự thảo Nghị quyết không đưa ra các giải pháp xử lý toàn diện những vướng mắc nêu trên mà tập trung vào xử lý vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền quyết định đầu tư, trình tự, thủ tục, phân định trách nhiệm giữa Uỷ ban và các bộ, ngành đối với dự án đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư, hoàn thiện cơ chế chuyển giao quyền sở hữu đối với doanh nghiệp và giao kế hoạch đầu tư công.
Ngoài ra, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này còn một số quy định thiếu cụ thể hoặc không thống nhất, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện hoặc chuyển giao dự án cho Uỷ ban.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 05/03/2020
03:00, 04/03/2020
00:13, 04/03/2020
11:06, 01/03/2020
10:37, 29/02/2020
Vì thế, ngoài giải pháp để xử lý những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, cần có phương án xử lý toàn diện bằng việc sửa đổi, bổ sung quy định của các luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ trong việc thi hành pháp luật.
Một hướng dẫn rất quan trọng khác mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng thông qua có liên quan đến việc chuyển giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp các dự án đang được các bộ, ngành thực hiện và việc xác định thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư công, dự án ODA.
Hiện nay, một lượng lớn các dự án đang được Bộ, ngành quản lý và chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là các dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam bị vướng mắc liên quan đến việc đơn vị nào sẽ đóng vai trò cơ quan chủ quản khi tiến hành phê duyệt điều chỉnh dự án, gia hạn hiệp định vay vốn.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin