Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: Hóa giải điểm nghẽn

Thạc sỹ NGUYỄN HOÀNG DŨNG - Giám đốc R&D Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM 31/07/2021 11:30

Gói 7.500 tỷ đồng đã được cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với mục tiêu cho vay lãi suất 0% hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.

LTS: NHNN vừa có Thông tư triển khai gói tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động được vay trả lương người lao động ngừng việc do ảnh hưởng bởi COVID-19. Vậy làm thế nào để gói hỗ trợ này đến tận tay doanh nghiệp?

p/Các doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất 0% tại NHCSXH để trả lương ngừng việc cho người lao động và khi phục hồi sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất 0% tại NHCSXH để trả lương ngừng việc cho người lao động và khi phục hồi sản xuất kinh doanh.

Giải ngân gói này làm sao để giải quyết kịp thời các nhu cầu khẩn thiết của doanh nghiệp và người dân trong đại dịch; Tạo động lực, cơ sở, tiếp sức cho doanh nghiệp và người dân tiếp tục duy trì hệ thống sản xuất cũng như đời sống bình thường; Củng cố và phát triển niềm tin của doanh nghiệp và nhân dân vào bộ máy quản lý Nhà nước trong bối cảnh khó khăn, là quan trọng.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Gói 7.500 tỷ đồng có mục tiêu khá giống gói 16.000 tỷ đồng mà trong đại dịch năm 2020 Chính phủ đã triển khai. Tuy nhiên, gói 16.000 đồng tỷ lệ giải ngân không cao, nguyên nhân tương tự gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP, được xây dựng trong bối cảnh khẩn trương, nhiều khó khăn, chưa có tiền lệ, vì vậy không tránh khỏi những hạn chế. Qua đó, đã lộ ra những bất cập trong công tác giải ngân, mà phần lớn doanh nghiệp cho rằng vì các tiêu chí quá chặt chẽ, phải chứng minh thiệt hại, thời gian kéo dài... khiến họ không thể tiếp cận.

Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ trước, gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ nhiều đối tượng trong đại dịch lần thứ 4 mới đây, đã có nhiều định hướng tích cực hơn. Trong đó, chính sách đã lược bỏ nhiều thủ tục, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, các địa phương không cần ra thêm văn bản mà triển khai đồng nhất.

Trở lại với gói 7.500 tỷ đồng. Điểm sáng của gói hỗ trợ lần này là số tiền được hỗ trợ lên tới 3 tháng lương với hạn vay tối đa 12 tháng, lãi suất 0% và không yêu cầu tài sản bảo đảm.

Vốn đã được cấp. Kinh nghiệm đã có. Sự vào cuộc ngay và luôn là cần thiết.

Cần tăng giá trị gói hỗ trợ

Tuy nhiên, vẫn cần có những tiêu chí thật cụ thể:

Thứ nhất, thông tin hỗ trợ phải thật nhanh, đi sâu sát đến từng doanh nghiệp là đối tượng chính sách được Nhà nước hỗ trợ. Tất cả các doanh nghiệp trên toàn quốc đều phải được nhận thể lệ cụ thể về thủ tục, quyền lợi của họ khi tiếp cận chính sách, có thể gửi qua email hay các phương tiện liên lạc khác, chứ không chỉ lấy đầu mối là các Hiệp hội hay chỉ những công ty lớn mới được tiếp cận chính sách sớm.

Thứ hai, thủ tục phải hết sức thuận tiện, không nhất thiết phải quá giản lược, nhưng cơ sở dữ liệu đưa vào các biểu mẫu nên phù hợp, không quá rắc rối, khắt khe. Có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch, tổn thất nặng nề nhưng họ không lưu trữ được các thống kê, nếu quá cứng nhắc sẽ làm doanh nghiệp càng cảm thấy mệt mỏi, chán nản, bị bỏ rơi, Do đó, không yêu cầu tiêu chí kiểu“đánh đố”, khoanh vùng.

Thứ ba, các đơn vị, doanh nghiệp hay người dân gặp khó khăn thực sự phải được tiếp cận hỗ trợ một cách công bằng, trên tinh thần được bảo trợ, không để xảy ra trường hợp bất hợp lý, bất công. Chính phủ cần quán quán triệt sâu sắc nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nặng, nghiêm, tránh gây mất lòng tin trong nhân dân.

Thứ tư, gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng này mới chỉ là con số ước định ban đầu. So với những khó khăn của ít nhất 30% trong hơn 800 ngàn doanh nghiệp trên toàn quốc, để hỗ trợ bao trùm mang tính chiến lược thì có thể còn phải tăng giá trị giải ngân lên khoảng 20.000 tỷ đồng, mới đủ đáp ứng nhu cầu đầy đủ.

Thứ năm, xét về sứ mệnh kinh tế và chính trị, các gói hỗ trợ trong thời đại dịch chính là chiếc “phao cứu hộ” duy trì mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động và thị trường, tạo động lực phục hồi sau đại dịch. Sẽ có những sai sót nhất định trong quá trình giải ngân, vì thế khâu hậu kiểm, đối chiếu, kiểm tra sát sẽ cần chặt chẽ hơn để xử lý vấn đề đó hậu kết thúc đợt “cứu hộ”. 

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Chính phủ kịp thời ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn. Các quy định đã giảm 1/2 thủ tục, 2/3 thời gian so với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng; các đối tượng đã tiếp cận chính sách một cách thông thoáng, dễ dàng hơn. Đến nay, qua 15 ngày triển khai gói 26.000 tỷ đồng, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch chủ trương, triển khai giải pháp. 

Có thể bạn quan tâm

  • Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: “Chúng tôi cần tiêu chí cụ thể”

    Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: “Chúng tôi cần tiêu chí cụ thể”

    04:50, 31/07/2021

  • [Infographic] Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: Sẵn sàng giải ngân gói 7.500 tỷ đồng

    [Infographic] Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: Sẵn sàng giải ngân gói 7.500 tỷ đồng

    17:10, 29/07/2021

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 28/07: Gói hỗ trợ làm sao cho trúng và đúng?

    ĐIỂM BÁO NGÀY 28/07: Gói hỗ trợ làm sao cho trúng và đúng?

    06:25, 28/07/2021

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đề xuất thêm gói hỗ trợ 24.000 tỉ đồng về thuế, phí cho doanh nghiệp

    Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đề xuất thêm gói hỗ trợ 24.000 tỉ đồng về thuế, phí cho doanh nghiệp

    00:00, 26/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: Hóa giải điểm nghẽn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO