Grab vừa có một quý lãi lớn nhưng cổ phiếu lại giảm khoảng 10%. Các nhà đầu tư đánh giá Grab sẽ có những thời gian kinh doanh sắp tới rất khó khăn.
Ngày 20/2/2025, Grab vừa công bố kết quả tài chính quý 4 kết thúc vào 31/12/2024. Nền tảng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á này báo cáo doanh thu 764 triệu đô (tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận 11 triệu đô. Đây là một trong ba quý hiếm hoi mà công ty có lãi kể từ khi lên sàn chứng khoán vào tháng 12/2021. Số người giao dịch hằng tháng đạt mức cao kỷ lục 44 triệu người.
Grab cho biết mức tăng trưởng này đến từ cả phân khúc phổ thông và cao cấp, đồng thời nó còn phản ánh rằng các sáng kiến và giải pháp công nghệ mà Grab áp dụng vào nền tảng của mình đã phần nào đó phát huy tác dụng.
Tổng giá trị giao dịch (GMV) theo nhu cầu đạt 5 tỷ USD trong quý 4/2024, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Mảng di chuyển (mobility) của Grab ghi nhận mức tăng 23% trong GMV hàng quý, nhờ nguồn cung tài xế dồi dào và các dịch vụ như đặt xe trước và đưa đón sân bay. Trong khi đó doanh thu từ dịch vụ tài chính tăng 38% nhờ vào việc mở rộng các hoạt động cho vay thông qua GrabFin và các ngân hàng số.
Tính toàn bộ năm 2024, Grab đạt doanh thu 2,8 tỷ đô, tăng 19%. Họ cũng thu hẹp mức lỗ năm 2024 xuống còn 158 triệu đô, cải thiện 67% so với mức 485 triệu đô năm 2023. Grab chưa có lợi nhuận hằng năm.
Tình hình kinh doanh quý 4/2024 có nhiều khả quan, thế nhưng với Grab như vậy là chưa đủ.
Ông Anthony Tan, CEO của Grab, cho rằng công ty vẫn chưa khai thác triệt để thị trường Đông Nam Á, với dẫn chứng là Grab mới chỉ phục vụ khoảng 1/20 người dân khu vực này.
Đồng thời, thông tin về lợi nhuận quý 4 vẫn không thể cứu vãn cổ phiếu lao dốc. Trong phiên giao dịch ngoài giờ tự do, cổ phiếu Grab giảm hơn 10%, từ 5,43 đô còn 4,73 đô vì dự báo doanh thu 2025 không khả quan. Cụ thể, họ dự kiến tạo ra doanh thu từ 3,33 đến 3,4 tỷ đô trong năm 2025, tăng 20% so với doanh thu 2,8 tỷ đô năm 2024.
Mặc dù là nền tảng gọi xe và giao hàng thống lĩnh khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 152 trong danh sách Fortune Southeast Asia 500, thế nhưng Grab vẫn phải chật vật đối mặt với cạnh tranh từ những người chơi cùng lĩnh vực như GoTo hoặc FoodPanda. Ở Việt Nam họ bị hai “tay chơi” nội là be và Xanh bám rất sát. Thị trường đông đúc buộc Grab phải chi mạnh tay để lôi kéo khách hàng mới. Trong năm 2024, họ bỏ ra đến 1,1 tỷ đô cho các khoản ưu đãi người dùng, tăng 20% so với năm trước. Mặc dù tốn kém, nhưng ông Oey vẫn khẳng định đây là chi phí cần phải có nếu muốn thu hút khách hàng.
Có vẻ như vì vậy mà Grab phải đưa ra những kế hoạch khá “cấp tiến” để thuyết phục các nhà đầu tư. Một trong các kế hoạch đó là mở rộng sang các dịch vụ tài chính và giao hàng tạp hóa. Trong cuộc họp với các nhà phân tích, Giám đốc vận hành Alex Hungate cho biết mảng giao hàng tạp hóa đang tăng trưởng nhanh hơn giao đồ ăn.
Đồng thời, Grab cũng đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh và xe tự lái.
Trong phát biểu đi kèm kết quả kinh doanh mới nhất, ông Tan cho biết AI tạo sinh có thể “cải thiện sự cân bằng của hệ sinh thái Grab” với các công cụ như “GrabRideGuide” giúp tài xế định hướng đến khu vực có nhu cầu cao hoặc “Merchant Menu Assistant” hỗ trợ nhà hàng tăng doanh số.
Dù thừa nhận rằng xe tự lái vẫn đang trong “giai đoạn rất sơ khai” tại khu vực, nhưng ông vẫn thể hiện cái nhìn lạc quan và tiết lộ Grab đang tích cực hợp tác với các cơ quan quản lý và đối tác tiềm năng để khám phá tiềm năng của công nghệ này.