Forbes mới đây đã công bố các nhân vật lọt Top 30 Under 30 Asia, trong đó Mai Hồ (tên đầy đủ là Hồ Hoàng Mai) là một trong ba gương mặt đại diện của Việt Nam trong danh sách năm nay.
Mai Hồ (tên đầy đủ là Hồ Hoàng Mai) là nhà kinh doanh và đầu tư, hiện nắm giữ vai trò Giám đốc đầu tư (Venture Partner) của quỹ đầu tư mạo hiểm Hustle Fund. Ngoài công việc tại quỹ Hustle, Mai Hồ còn quản lý quỹ đầu tư của gia đình trải rộng từ chứng khoán, đầu tư thiên thần đến bất động sản.
Mới 29 tuổi nhưng nữ doanh nhân Mai Hồ đã từng làm lãnh đạo nhiều doanh nghiệp có tiếng ở nước ngoài khác nhau. Để đạt được thành công, người phụ nữ này đã chia sẻ với Medium rằng cô phải dám mạo hiểm bất chấp cảnh báo về sự thất bại. Bên cạnh đó còn phải vươn mình lên trước những định kiến về nhóm nữ giới thiểu số, tuổi tác, màu da vô hình kìm hãm sự phát triển của bản thân.
“Khi bạn thuộc nhóm thiểu số về mặt giới tính, tuổi tác, màu da, thì luôn có những rào cản vô hình kìm hãm sự phát triển của bản thân. Sự nghiệp vì thế cũng bị ảnh hưởng”, Mai Hồ chia sẻ.
Nhưng, Mai tự nhận là may mắn khi có nhiều người hỗ trợ, đặc biệt là có nhóm cố vấn luôn dành thời gian hỗ trợ, giúp giữ vững lòng tin. Các chuyên gia cố vấn này hiểu rằng, phụ nữ luôn phải đối mặt với một số rào cản khi tham gia vào nền kinh tế, cả ở góc độ xã hội cũng như gia đình. Quan niệm phụ nữ thuộc về nhà của họ chứ không phải ở nơi làm việc không phải hiếm.
Sự nghiệp của Mai Hồ gắn liền với những quỹ đầu tư và khởi nghiệp. Đầu tiên, cô xuất phát điểm với vị trí Senior Associate tại quỹ đầu tư UVF tại Salt Lake City (với $18 triệu đô tài sản quản lý), nơi cô tham gia đầu tư vào các công ty công nghệ tên tuổi, bao gồm Twitter.
Sau đó, cô nổi danh để trở thành chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán tại tập đoàn đầu tư tên tuổi Goldman Sach. Tại Goldman Sachs, cô theo dõi sát sao hơn 20 công ty trong mảng Công Nghệ Truyền Thông như Blackberry, Cisco và Qualcomm.
Mai Hồ tiếp tục đạt được những bước tiến mới trong sự nghiệp với những thành quả từ các vị trí tại Silicon Storm8 và công ty khởi nghiệp giáo dục Schoold tại những vị trí liên quan đến mảng khách hàng và thương mại điện tử.
Cô góp phần giúp Silicon Storm8 được định giá $300 triệu đô khi quản lý hơn $10 triệu đô ngân sách marketing cho hơn 40 games qua hơn 20 kênh quảng cáo điện tử.
Còn với Schoold, dưới sự lãnh đạo của nữ doanh nhân thì ứng dụng này khi vừa ra mắt đã được lọt vào danh sách Featured app của cả Apple App Store và Google Play Store trong nhiều tuần liên tiếp. Trong vòng 8 tháng ra mắt sản phẩm, ứng dụng Schoold trụ vững trong danh sách Top 10 Ứng Dụng Giáo Dục, mang lại hơn 1.5 triệu lượt download với hàng trăm ngàn khách hàng sử dụng hằng tháng.
Sự nghiệp của Mai Hồ tiếp tục tiến lên một nấc thang cao hơn khi chính thức tự tay thành lập và điều hành công ty startup trong mảng thương mại điện tử BigBalo, kết nối khách hàng có nhu cầu mua hàng xách tay với các bạn trẻ du lịch bụi. Đến năm 2019, nữ doanh nhân bán công ty cho một đối thủ cạnh tranh.
Vào năm 2020, Mai Hồ tiếp tục thử sức ở một vị trí mới là lãnh đạo mảng đầu tư vào các công ty công nghệ ở Việt Nam của quỹ đầu tư Hustle Fund (với hơn $40 triệu đô tài sản quản lý) sau nhiều năm kinh nghiệm dày dặn trên thương trường trong mảng Tài Chính.
Chia sẻ về quan điểm đầu tư, Mai Hồ từng nhận định: "Số liệu không phải là điều quan trọng nhất. Nắm rõ và hiểu thông số liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty mới là quan trọng. Nếu những số liệu căn bản và quan trọng này mà bạn không nắm, thì làm sao bạn có thể sử dụng thời gian và nhân lực hữu hạn một cách hiệu quả nhất?".
Giám đốc đầu tư Hustle Fund Việt Nam cho biết, cô từng nói chuyện với một công ty khởi nghiệp đang huy động vốn. Đáng tiếc, trong vòng 30 phút, cô nhanh chóng nhận ra nhà sáng lập này không nắm rõ các thông số quan trọng về công ty của chính mình.
Founder không rõ là mỗi tháng có bao nhiêu người ghé qua trang web của công ty, cũng không nắm rõ bao nhiêu % người sử dụng trở thành khách hàng. Hỏi thêm, cũng không rõ mỗi khách hàng trung bình mua bao nhiêu đơn hàng, hay chi phí để chuyển hoá người ghé qua trang web trở thành khách hàng là bao nhiêu.
Không ngạc nhiên khi Mai Hồ quyết định không đầu tư vào công ty này. Thực tế, lý do cô từ chối không phải vì số liệu của công ty này không tốt. Lý do từ chối là vì nhà sáng lập không nắm rõ là công ty của mình đang hoạt động ra sao.
Trái ngược lại, cô cho rằng, nếu gặp được một bạn sáng lập startup nắm rõ những thông số trên, mặc cho những thông số này không tốt cho lắm, thì vẫn có thể đầu tư vì 2 lý do: nhà sáng lập đã đầu tư thời gian để suy nghĩ về hành trình từ khởi đầu đến kết thúc của khách hàng, và nhà sáng lập đó hiểu rõ điều gì tốt và điều gì chưa ổn với quy trình này và có thể điều chỉnh nhanh chóng.
Liên quan đến việc khi startup kêu gọi vốn đầu tư, Mai Hồ cho rằng, chuyện nhận phải lời từ chối của nhà đầu tư là một lẽ không thể tránh.
"Đối với nhà đầu tư, chuyện từ chối startups là một chuyện khá bình thường đối với họ, vì hàng ngày họ nhận được rất nhiều pitch decks. Cho nên nếu bạn viết một email thật dài mong họ thay đổi ý định thì cũng là nước đổ lá khoai", nữ Giám đốc đầu tư Hustle Fund Việt Nam nói.
Thay vào đó, nhà sáng lập cần giữ thái độ lạc quan, đồng thời bày tỏ việc muốn cập nhật thông tin của mình tới các nhà đầu tư, vì không phải bây giờ, mà trong tương lai sẽ có thể họ sẽ đầu tư vào startup, hoặc vào bản thân nhà sáng lập nếu có thành lập công ty khác.
Startup cũng có thể nhờ giới thiệu cho các nhà đầu tư khác hoặc hỗ trợ cho một vài mảng liên quan đến hoạt động của công ty.
Tất nhiên, riêng có một trường hợp nên thận trọng khi chia sẻ thông tin cập nhật với nhà đầu tư là nếu nhà đầu tư đã rót tiền vào đối thủ cạnh tranh. Khả năng mà họ đầu tư vào 2 công ty cạnh tranh trong một mảng hoặc một thị trường là rất thấp. Cho nên việc chia sẻ thông tin không giúp ích nhiều cho công ty, mà còn có thể gián tiếp giúp công ty đối thủ biết nhiều hơn về startup.
Ở vị trí Giám đốc đầu tư quỹ Hustle Fund, Mai Hồ thường xuyên có nhiều chia sẻ hữu ích với giới khởi nghiệp trong quá trình gọi vốn. Cô nhấn mạnh không chỉ nhà đầu tư lựa chọn startup mà bản thân startup cũng cần đặt ra điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, nhất là nếu startup may mắn nhận được nhiều đề nghị khác nhau từ các quỹ đầu tư.
Từ vòng tìm hiểu, Mai Hồ khuyên startup nên chú ý vào 2 vấn đề. Thứ nhất là quỹ đầu tư vào mảng nào: Đa phần có 2 loại quỹ đầu tư: Một là generalist, tức là ngành nào họ cũng sẽ đầu tư; hai là specialist, có thể chỉ tập trung vào một chuyên ngành hoặc một mảng nhất định.
Thứ hai đó là quỹ đầu tư vào giai đoạn nào: Quỹ đầu tư tài chính có nhiều giai đoạn khác nhau, và nhiều khi startup có thể thấy rối ren vì có quá nhiều vòng rót vốn. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ trên trang website của quỹ, có thể nhận thấy đa phần các quỹ đầu tư chia làm 3 loại: 1) early-stage, 2) growth-stage, và 3) late-stage/venture.
Sau bước lựa chọn quỹ, các startup đi tiếp đến phần điều khoản đầu tư (termsheet). Theo Mai Hồ, "điều quan trọng nhất khi tham khảo và thương lượng termsheet với nhà đầu tư là những điều kiện đưa ra cần hỗ trợ cả hai bên cùng phát triển, chứ không phải chỉ đem lại lợi ích hoặc bảo vệ rủi ro của nhà đầu tư".
Ngoài ra, Mai Hồ nhấn mạnh startup cũng cần chú trọng đến các giá trị phi kinh tế ví dụ nhà đầu tư của quỹ là ai, họ đã từng tham gia khởi nghiệp hay chưa, mối quan hệ giữa quỹ và những founder được rót vốn hiện ra sao,...
"Điều quan trọng bạn nên xem xét là nhà đầu tư có thấu hiểu, quan tâm, tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ công ty của họ khi gặp khó khăn hay không, vì con đường khởi nghiệp lắm chông gai, vất vả chứ không chỉ trải hoa hồng", Mai Hồ nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nước đi “khác biệt” của Chủ tịch gỗ Đức Thành
04:00, 23/10/2021
[GƯƠNG MẶT 30 UNDER 30 ASIA] Lê Hàn Tuệ Lâm: Hãy cứ công bằng với nhau đi...
02:51, 22/10/2021
Văn hóa "tử cung cá mập" và thông điệp từ ông chủ Tencent
02:23, 21/10/2021
Những bóng hồng không hề "mềm yếu"
04:28, 20/10/2021
Chuyện “khởi nghiệp” của nữ doanh nhân Hà Thành xưa
02:38, 19/10/2021
COVID-19 có làm khó doanh nghiệp cung ứng?
11:12, 18/10/2021