Những năm gần đây, công cuộc đô thị hóa đã khiến người dân Hạ Long không khỏi xót xa bởi những cánh rừng ngập mặn của thành phố này gần như biến mất.
Và nỗi đau như nhân thêm, khi dải rừng ngập mặn ít ỏi còn lại trên địa bàn phường Đại Yên, một hệ sinh thái trù phú bao đời là chỗ lương tựa mưu sinh và làm giàu của người dân cũng đã bị thông báo sẽ thu hồi để nhường chỗ cho một siêu dự án.
Xót xa rừng ngập mặn
Rừng gập mặn như một bức tường xanh vô cùng vững chắc chống gió bão, sóng thần, nó còn đóng vai trò to lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế xâm nhập mặn, làm sạch môi trường vùng ven biển.
Rừng ngập mặn còn là môi trường lí tưởng cho các loài tôm, cá, nhuyễn thể có nơi cư ngụ, tìm kiếm thức ăn, sinh nở, phát triển, tạo ra sự đa dạng các loài thủy hải sản. Hàng ngàn hộ gia đình ở ven biển Quảng Ninh đã mang ơn những cánh rừng này vì nó cho họ sản vật để có thu nhập hàng ngày.
Nhưng thay vì được bảo vệ, rừng ngập mặn buộc phải nhường chỗ cho những dự án lấp biển. Và đến thời điểm này, ở một số địa phương nó gần như biến mất. Một cuộc đánh đổi quá lớn.
Bất cứ ai đến với cửa ngõ thành phố di sản Hạ Long (Quảng Ninh) cũng không khỏi kinh ngạc bởi một cuộc xâm lấn biển. Hàng triệu khối đất đã được đổ xuống, một vùng rừng ngập mặn ven biển các phường Hà Khẩu, Đại Yên, Tuần Châu đã biến mất hoàn toàn nhường chỗ cho những dự án “treo lơ lửng” hàng chục năm nay.
Nhà báo Kim Thái, người nhiều năm lăn lộn, đấu tranh bảo vệ môi trường với loạt bài phản ánh, trong đó có rừng ngập mặn đã đạt giải vàng báo chí Quảng Ninh chia sẻ, vùng biển Cửa Lục, đoạn qua các phường Cao Xanh, Yết Kiêu, Hà Khánh (TP.Hạ Long) từng trải dài những cánh rừng ngập mặn, nơi người dân một ngày có thể khai thác vài chục kg sò, ngán, hàng tạ cá, tôm thu nhập cũng lên đến 1 triệu thậm chí vài triệu mỗi ngày.
“Nhưng cái màu xanh êm đềm và giàu có đã biến mất. Giờ nó là cảng xuất than là hàng chục nghìn khối đất đá san lấp”, bà Thái xót xa.
“Suốt dọc chiều dài bãi biển hàng chục km trên địa bàn thành phố Hạ Long cũng từng là rừng ngập mặn nhưng nay nó đã biến mất như chưa hề có sự tồn tại. Hàng loạt dự án lấn biển để mở rộng đô thị với những cơn sốt nóng về giá đất đã khiến rừng ngập mặn bị xóa sổ hoàn toàn tại các phường Cao Xanh, Hồng Hải, Hồng Hà, Tuần Châu, Bãi Cháy và bị xóa sổ trên một diện tích lớn tại các phường Đại Yên, Việt Hưng, Hùng Thắng”, bà Thái nói.
Có thể bạn quan tâm
15:56, 19/09/2019
05:00, 01/11/2018
20:54, 16/10/2019
Nhà báo Kim Thái cũng không phủ nhận các dự án lấn biển đã góp phần mở rộng không gian đô thị của Hạ Long, tạo nên những khu phố đẹp bên bờ biển, những công trình công nghiệp, du lịch phục vụ mục tiêu phát triển. “Nhưng với nguồn quỹ đất dồi dào từ các dự án san đồi, lấn biển lên tới hàng ngàn ha, với con số thống kê bình quân một đầu hộ dân của TP Hạ Long hiện có từ 2 tới 3 ô đất dẫn đến một thực tế hoang mạc hóa kéo dài nhiều năm qua tại nhiều vùng đất san lấp của các dự án thì có phải việc phá rừng ngập mặn, lấn biển đã và đang tiếp tục tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố là tính toán thiếu tầm hay có tính lợi ích ở đây”?
Rừng ngập mặn Đại Yên và nguy cơ biến mất
Từ một thành phố được bao bọc bởi rừng ngập mặn với 17 trên 21 phường có rừng, nay rừng ngập mặn chỉ còn lại ở Đại Yên trên một diện tích khá khiêm tốn. Đã có quá nhiều những nghiên cứu, những bài báo, những phóng sự truyền hình phân tích những lợi ích vô cùng to lớn của rừng ngập mặn với những chủ trương, những lời kêu gọi bảo tồn và phát triển vốn rừng.
Nếu xét về góc độ cảnh quan, môi trường sinh thái và nguồn lợi hải sản cần có cho thành phố du lịch, lợi ích kinh tế trước mắt cũng như lâu dài cho cộng đồng cư dân địa phương thì những khoảng rừng ít ỏi còn lại của Đại Yên có cần giữ gìn không? Câu trả lời không chỉ là cần mà là vô cùng cần thiết. Hạ Long có thiếu đất để làm các dự án và phát triển không gian đô thị? Câu trả lời là không khi một vùng khai thác than rộng mênh mông trải dài qua nhiều phường đang sắp đến hồi kết thúc.
Vậy thì lý do gì một vùng rừng ngập mặn quý giá, nơi cung ứng hàng ngày nguồn hải sản lớn và nuôi sống đông đảo người dân Đại Yên lại bị xếp vào diện không phù hợp với quy hoạch làm lâm nghiệp, nuôi trồng hải sản? Việc loại bỏ một cách hết sức đáng tiếc cái thế mạnh trời cho này để nhằm mục đích gì? Nó có đáng để đánh đổi như thế không?
Rừng ngập mặn vẫn đang trong tình trạng bị bức tử mà chưa có giải pháp nào ngăn chặn. Chủ dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Mông Dương, Cẩm Phả đã trồng bồi hoàn 52 ha rừng ngập mặn tương đương với diện tích rừng đã san lấp xây nhà máy đáng để các bên liên quan suy ngẫm. Đã có ai trong số những người chặt phá, san lấp rừng ngập mặn ở Hạ Long nghĩ đến việc bồi hoàn theo cái cách như vậy? Chưa có ai cả.