Tình trạng nông dân bỏ ruộng đang có chiều hướng gia tăng tại Hà Nam gây lãng phí đất sản xuất.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Nam, năm 2017 cả 2 vụ Xuân và Mùa toàn tỉnh có hơn 100 ha ruộng bị bỏ hoang nhưng chỉ riêng vụ mùa năm 2019, Hà Nam đã có 310 ha ruộng bỏ không. Như vậy có thể nhận thấy tình trạng nông dân bỏ ruộng đang có xu hướng tăng cao.
Đơn cử, tại huyện Lý Nhân, năm 2016 toàn huyện cả 2 vụ chiêm chỉ có hơn 30ha bị bỏ không, không trồng cấy. Nhưng đến vụ mùa năm 2018 trên địa bàn toàn huyện có tới trên 100ha bỏ không.
Năm 2019, xã Nhân Khang (Lý Nhân) có hơn 16ha ruộng bị bỏ hoang vào vụ Xuân thì đến vụ Mùa đã tăng lên gấp đôi với khoảng hơn 30ha. Tình trạng này xảy ra ở tất cả các thôn của xã, hộ bỏ nhiều nhất là hơn 2.000m2 ruộng.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên - Phó phòng NN&PTNT huyện Lý Nhân, tình trạng người dân bỏ ruộng đang có chiều hướng tăng lên. Trên các cánh đồng của huyện Lý Nhân, bên cạnh những thửa ruộng lúa đã lên xanh thì có rất nhiều thửa ruộng bỏ hoang, ngay cả đối với những thửa ruộng có điều kiện canh tác thuận lợi, nằm ngay sát trục giao thông chính.
Không riêng gì Lý nhân, tại các huyện Duy tiên, Kim Bảng, TP Phủ Lý… đều xảy ra tình trạng người nông dân chán ruộng, bỏ ruộng.
Ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Khang (Lý Nhân) cho biết, tình trạng bỏ ruộng đã diễn ra một vài năm trước đây. Nguyên nhân sâu xa là thiếu lao động, một số hộ có ruộng nhưng lại đi làm ăn kinh tế ở nơi xa, sản xuất vụ mùa còn bấp bênh.
Được biết, Hà Nam đã quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp, trong đó có 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm ổn định cho gần 50.000 lao động, thu nhập từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm gián tiếp cho hàng chục ngàn lao động. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu lao động làm nông nghiệp.
Về các vùng quê hôm nay chỉ thấy người già và trẻ em. Chỉ những người không thể làm gì mới làm ruộng. Nhưng họ làm ruộng với tư tưởng lấy gạo sạch cho gia đình ăn nên mỗi nhà cũng chỉ trồng, cấy 1-2 sào. Bởi, thu nhập từ cấy lúa quá thấp, người nông dân phải bỏ quá nhiều công chăm sóc từ gieo cấy, trừ sâu, bón phân, làm cỏ… Cứ thế việc sản xuất, gieo cấy dần manh mún, dần nhỏ lẻ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, để giải quyết tình trạng này, ngành nông nghiệp Hà Nam đã đề nghị các huyện, chỉ đạo các xã vận động các hộ nông dân tích cực tham gia gieo cấy. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, đoàn thể thuê lại diện tích ruộng bỏ của nông dân để gieo cấy, dồn điền đổi thửa những ruộng của các hộ không có nhu cầu gieo cấy, bỏ không thành những khu có diện tích lớn để cho doanh nghiệp, cá nhân có năng lực làm nông nghiệp tổ chức sản xuất.
Được biết, UBND tỉnh Hà Nam đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
16:54, 14/08/2019
16:20, 14/08/2019
07:49, 13/08/2019
Nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng, bỏ ruộng là thực tế không mới ở nhiều địa phương không riêng gì Hà Nam. Theo các chuyên gia, để giải quyết “bài toán” này, cần một giải pháp mang tính đồng bộ, bền vững, cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế của ngành nông nghiệp nước ta cũng như với sự phát triển ở các vùng nông thôn hiện nay.