Trong báo cáo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 1,69%, thu nhập bình quân tăng 2,3 lần.
Sáng nay, TP. Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 – 1/8/2018).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có bài báo cáo về kết quả 10 năm thực hiện mở rộng địa chính Hà Nội. Theo đó, trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng bình quân 7,41%/năm suốt 10 năm qua, thu nhập (tính theo GRDP) bình quân đầu người đã cán mốc 86 triệu đồng (tương đương 3.910 USD/người), tăng 2,3 lần so với năm 2008, thu ngân sách tăng gần 3 lần, chi ngân sách tăng 3,6 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 2,85 lần so với năm 2008.
Công tác cải cách thủ tục hành chính sau 10 năm đã có chuyển biến tích cực, rút ngắn thời gian, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới một nền hành chính phục vụ, vì dân. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thành công cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được triển khai tại 584/584 xã, phường, thị trấn, đến nay đã đưa vào hoạt động 538/1.883 dịch vụ công trực tuyến, đạt trên 28,6%...
Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm còn 1,69% theo chuẩn mới, hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 140 nghìn người/năm; các xã, phường, thị trấn đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế (trong khi năm 2008 mới đạt 76%)...
Đặc biệt, nếu như tại thời điểm hợp nhất, Hà Nội đứng trước khó khăn, thách thức mới vô cùng lớn là khu vực nông thôn chiếm diện tích rất lớn (khoảng 2/3 diện tích của Hà Nội) và 60% dân số sống ở khu vực nông thôn thì nay, Hà Nội đã và đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố đã có 4 huyện và 294/386 xã (đạt 76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn Thủ đô đã thực sự đổi mới, khởi sắc toàn diện và rõ rệt. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, dân chủ được mở rộng, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân tính đến ngày 30-6-2018 đạt 43,1 triệu đồng/người, gấp 5,4 lần so với năm 2008…
“Ngay sau khi hợp nhất, Thành phố đã triển khai 329/642 đồ án phát triển không gian đô thị. Hiện nay, đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án lớn như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia; phát triển Thành phố thông minh tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân- Nội Bài;…” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong 10 năm qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng còn những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại, cần phải được nhanh chóng khắc phục, như: Kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phát triển văn hóa - xã hội còn chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô; công tác giáo dục - đào tạo còn một số mặt chuyển biến chậm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn…
Để giải quyết tốt những vụ cấp thiết trước mắt và những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho rằng, trước mắt, Hà Nội cần tiếp tục tận dụng các cơ hội, phát huy những kết quả và thành tựu to lớn đạt được, huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, tạo thế và lực mới để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
“Con đường phía trước đang mở ra với cả thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức, đòi hỏi mỗi chúng ta phải chủ động, năng động, tích cực, sáng tạo hơn nữa, nỗ lực không ngừng vươn lên. Với truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương, của các tỉnh, thành bạn, của đồng chí, đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định.