Thị trường

Hà Nội: rộn ràng đấu giá đất cuối năm

Diệu Hoa 13/12/2024 05:00

Trong 2 tuần cuối cùng năm 2024, nhiều quận, huyện của Hà Nội tổ chức đấu giá đất, trong đó khu đất vừa được trả 30 tỷ đồng/m2 cũng được đấu giá lại.

8aba3736-50c3-4b17-9333-185671e6566f-1-.jpeg
Nhiều quận, huyện tại Hà Nội tiếp tục đấu giá đất. Ảnh: DH

Loạt khu đất được đấu giá

Trong đó, ngày 13/12, huyện Mê Linh tổ chức đấu giá quyền sử dụng 33 lô đất thuộc thôn Đông Cao và thôn Tráng Việt. Giá khởi điểm 1,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị lô đất khoảng từ 132 triệu đồng/m2 cho tới 1,7 tỷ đồng.

Cùng ngày, huyện Mỹ Đức cũng tổ chức đấu giá 200 thửa đất thuộc khu Đông Dư, thôn Trì và khu Đông Rì - Bờ Và, thôn Nội. Diện tích ô đất từ 100-178m2. Giá khởi điểm 2,1 triệu đồng/m2, tổng tiền cho mỗi lô đất khoảng 213-377 triệu đồng/m2.

Theo thông báo của Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, ngày 23/12, quận Hoàng Mai cũng sẽ tổ chức đấu giá khu đất có ký hiệu TT4, thuộc khu đô thị Nam hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt.

Khu đất này có tổng diện tích gần 4,4 ha, trong đó hơn 2 ha đất ở, còn lại là đất giao thông và cây xanh. Phần diện tích đất ở tương ứng 10 khu với 262 lô, mật độ xây dựng khoảng 49,7%, cao 4 tầng.

Phiên đấu giá sẽ bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, tối thiểu 3 vòng với bước giá 500.000 đồng mỗi m2. Giá khởi điểm vòng 1 hơn 86 triệu đồng mỗi m2, tương đương tiền cọc khoảng 345 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, ngày 28/12, đơn vị này sẽ tổ chức đấu giá lại 36 thửa đất đấu giá không thành công do bị các đối tượng trả giá 30 tỷ đồng/m2 trong phiên đấu giá cuối tháng 11, tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Theo đó, các thửa đất có diện tích dao động 90-220m2, với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2.

Trước đó (ngày 29/11) đã diễn ra đấu giá đất. Phiên đấu giá gây xôn xao dư luận khi có đối tượng trả giá một số lô đất lên tới 30 tỷ đồng/m2, gấp 12.000 lần giá khởi điểm. Ngay sau đó, Công an Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 5 đối tượng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Cần làm rõ hành vi "thổi" đất đấu giá

Từ đầu năm đến hết tháng 9, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.

Công tác đấu giá đất tiếp tục được đẩy mạnh trong dịp cuối năm
Cần mạnh tay với hành vi thao túng đất đấu giá. Ảnh: DH

Tuy nhiên, một số phiên đấu giá đất tại Hà Nội gần đây đã liên tiếp gây xôn xao thị trường bởi tình trạng trả giá cao rồi bỏ ngang, khiến nhiều lô không tìm được chủ.

Đầu tháng 12, 5 người bị tạm giữ vì có sai phạm liên quan việc trả giá đến 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn để "không cho lô đất được trúng đấu giá thành công".

Sau đó hai ngày, 22 thửa đất tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai cũng đấu giá thất bại dù đã trải qua 8 vòng đấu, do nhà đầu tư đẩy giá lên cao rồi không tiếp tục trả giá. Thực trạng này cho thấy kẽ hở khiến đấu giá đất liên tục bất ổn.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trên phải đánh giá hiệu quả của việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; không tổ chức đấu giá các khu đất, thửa đất có giá khởi điểm thấp, không có khả năng bù đắp được chi phí, nguồn lực đầu tư tạo quỹ đất (gồm chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng...), các khu vực có giá đất theo bảng giá của thành phố thấp hơn chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đề xuất chuyển mục đích sử dụng sang làm các khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trên địa bàn hoặc công trình công cộng phục vụ địa phương.

Đặc biệt, Hà Nội đã đề nghị Công an Thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất; đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc. Đồng thời, hướng dẫn các quận, huyện thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.

Theo phân tích của các chuyên gia, đấu giá đất tại Hà Nội đang là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều người dân, đặc biệt giới đầu cơ do giá khởi điểm rất thấp, tiền đặt cọc ít, đất có tính pháp lý rõ ràng và có tiềm năng tăng trưởng. Hiện nay, căn cứ vào quy định hiện hành, các địa phương và đơn vị chức năng vẫn áp dụng bảng giá đất cũ từ năm 2020 để tính giá khởi điểm vì Hà Nội chưa ban hành bảng giá đất mới.

Do đó, vấn đề đặt ra là cần làm rõ hành vi và động cơ của nhóm người tham gia đấu giá đất cố tình trả giá cao tới mức phi lý rồi bỏ cuộc, bỏ tiền đặt cọc. Việc phải huỷ đấu giá hàng trăm thửa đất không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu giá đất (giảm nguồn thu ngân sách, tốn kém chi phí tổ chức đấu giá), mà còn tạo dư luận xấu, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản ở khu vực nói riêng, Hà Nội nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: rộn ràng đấu giá đất cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO