Dù chưa chính thức lên quận, giá đất huyện Đông Anh thời gian gần đây đang "leo thang" chóng mặt.
Theo dữ liệu lịch sử giá bán đất tại huyện Đông Anh, trong vòng 1 năm giá đất tại đây đã tăng 60,2%, mức giá dao động từ 25-250 triệu đồng/m2 tùy từng khu vực và vị trí.
Cụ thể tại một số xã như Mai Lâm, Đông Hội, Xuân Canh, Uy Nỗ đã thiết lập mặt bằng giá mới, giá đất cũng được rao bán dao động 50 - 220 triệu đồng/m2. Dựa trên một khảo sát từ Property Guru, giá nhà đất tại xã Vĩnh Ngọc trên các trục đường lớn đang ở mức 150 – 250 triệu đồng/m2, còn trong ngõ được rao bán khoảng 60 – 130 triệu đồng/m2 dựa theo chiều rộng mặt đường.
Qua khảo sát của PV, những mảnh đất nằm trên mặt đường kinh doanh tại một số khu vực như Uy Nỗ, Đông Hội, Tiên Dương… đang được rao bán với giá dao động từ 180 – 210 triệu đồng/m2. Thậm chí, tại huyện này đang xuất hiện những căn nhà được rao bán với mức giá 300 - 350 triệu đồng/m2. Điển hình như một căn nhà 2 tầng có diện tích khoảng 92 m2 tại đường Cao Lỗ (Uy Nỗ) đang được chào với mức 307 triệu đồng/m2.
Dù là khu vực ven nội thành, bất động sản Đông Anh đã tăng giá ngang ngửa hoặc cao hơn nhiều nơi tại nội thành Hà Nội. Giá căn hộ chung cư cũng tiếp theo đà tăng của thị trường nhà đất.
Theo các môi giới, việc Đông Anh được quy hoạch lên quận vào cuối năm 2024 càng làm cho thị trường này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khu Đông Hà Nội cũng đang được chú ý bởi hạ tầng giao thông, kết nối với trung tâm TP bởi 2 cây cầu là Thăng Long và Nhật Tân. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đang nghiên cứu triển khai thêm nhiều dự án hạ tầng là cầu Thượng Cát và cầu Tứ Liên, cũng được cho là yếu tố khiến giá đất tăng cao.
Trước diễn biến giá bất động sản tại huyện Đông Anh liên tục tăng nóng như hiện nay, các chuyên gia cho biết nguyên nhân bắt nguồn từ các thông tin về quy hoạch và các dự án hạ tầng lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng mức giá bán đang không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản trong khu vực và có nguy cơ rủi ro cao cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
TS Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, thực tế số lượng giao dịch bất động sản tại Đông Anh cũng tương tự nhiều khu vực từng “nóng sốt” khác khi giá tăng cao song không có nhiều giao dịch. Điều này khiến việc đầu tư vào khu vực này tiềm ẩn rủi ro cao.
Bởi vậy, ông Đính khuyến cáo các nhà đầu tư cần thận trọng, đặc biệt là không nên sử dụng đòn bẩy tài chính vì rất có thể họ sẽ phải chờ đợi nhiều năm mới có cơ hội thu hồi vốn hoặc sinh lợi.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, đà tăng bất động sản là tăng "ảo" chứ không có giá trị vật chất thật để đảm bảo giá trị tăng đó có ý nghĩa. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.
Ông Võ phân tích, rất nhiều người lao vào đầu tư bất động sản do tỷ suất lợi nhuận vô cùng hấp dẫn hơn rất nhiều so với các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa khác (chỉ khoảng 10%). Cụ thể, theo tính toán của vị chuyên gia, giai đoạn 1990 – 1992 giá bất động sản tăng 10 lần, từ 2000 – 2002 tăng 10 lần, thời điểm 2007 - 2008 tăng 3 lần. Riêng từ năm 2009 đến nay, cứ 10 năm giá bất động sản lại tăng gấp đôi. Đặc biệt là chỉ có thời kỳ chững giá chứ chưa bao giờ xuất hiện tình trạng hạ giá bất động sản.
Theo cảnh báo của ông Võ, hiện nay thị trường còn xuất hiện một số chiêu trò kích giá bất động sản để nhằm mục đích tăng giá trục lợi. Trong đó, lợi dụng trả giá rất cao trong các phiên đấu giá đất chỉ là một cách. Bên cạnh đó, nguồn cung quá thấp so với cầu có khả năng chi trả cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá nhà tăng quá cao như hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, đất Đông Anh đã tăng nhanh thời gian qua, việc đầu tư ngắn hạn, lướt sóng ở thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi bất động sản tại đây chủ yếu ăn theo các dự án sắp triển khai. Ông Quốc Anh nhấn mạnh với đặc điểm của Đông Anh, đầu tư dài hạn sẽ là phương án an toàn.