Hà Nội: Dự kiến xây 16 tòa nhà tại Việt Hưng để giãn dân phố cổ

Cẩm Anh 09/07/2019 13:00

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản trả lời cử tri Quận Hoàn Kiếm về đề nghị đánh giá việc thực hiện Đề án giãn dân phố cổ.

Hà Nội dự kiến xây 16 tòa nhà tại KĐT Việt Hưng để giãn dân phố cổ

Hà Nội dự kiến xây 16 tòa nhà tại KĐT Việt Hưng để giãn dân phố cổ

Theo đó, Thành phố đã quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, xây dựng 16 tòa nhà cao 10 tầng để phục vụ giãn dân phố cổ tại Việt Hưng (Long Biên). Tính đến thời điểm hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang thực hiện giai đoạn 1 của Đề án, gồm các đầu đến (xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ) tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên và đầu đi (di dời các hộ dân ra khỏi phố cổ).

Với dự án đầu đến (xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ) được chia làm 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án xây dựng hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2016.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ IV): “Nhập gia phải tùy tục”

    10:00, 09/07/2019

  • Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ III): Chưa có giải pháp quyết liệt

    06:30, 08/07/2019

  • Tạo đồng thuận giãn dân phố cổ Hà Nội

    15:06, 05/07/2019

  • Đề án giãn dân phố cổ (KỲ II): Hàng trăm căn hộ “cửa đóng then cài”

    10:35, 04/07/2019

Dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị Khu nhà ở giãn dân UBND quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2799/QĐ-UBND ngày 31/12/2014; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1367/QĐ-UBND ngày 09/7/2015.

Riêng đối với dự án đầu đi, di dời các hộ dân ra khỏi phố cổ, UBND thành phố cho biết: UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức rà soát, phân loại các đối tượng của 10 phường trong quận Hoàn Kiếm; xây dựng dự thảo chính sách khung làm cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ, bồi thường đối với các đối tượng nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc và làm cơ sở tiến hành lập phương án di dời.

Thành phố cũng giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch kiến trúc theo hướng tăng tầng cao, tăng diện tích tầng hầm, đảm bảo hiệu quả dự án

Được biết, từ năm 1998, UBND thành phố Hà Nội đã khởi động dự án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.

Tuy nhiên, đến tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ mới được UBND thành phố quyết định phê duyệt, giao UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức thực hiện. Trước đó, lý giải việc dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đề án xây dựng khu giãn dân bị chậm là do nhà đầu tư không có năng lực tài chính, dính đến sai phạm - lừa đảo, đã bị cơ quan pháp luật khởi tố.

Mặt khác, HĐND thành phố Hà Nội cho rằng dự án tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu phố cổ bao gồm nhiều trường hợp chính sách khác nhau nên việc đưa ra các cơ chế còn chưa thống nhất. Dự án xây dựng nhà ở giãn dân chưa có số liệu diện tích, giá bán; chưa có cơ chế quy đổi phù hợp để thông báo tới các hộ dân.

Trong các di tích cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng, hiện có những di tích chưa xác định được rõ khuôn viên ranh giới di tích, không gian thờ cúng cần được trùng tu nên việc thống kê số liệu còn khó khăn, chưa đầy đủ.

Trong thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến trong quý III/2019 và phối hợp với nhà đầu tư được lựa chọn tiến hành các thủ tục hành chính khác để có thể triển khai khởi công dự án dự kiến vào quý IV/2019.

Các chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch là đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian kiến trúc. Cần sử dụng một cách hợp lý để có kinh phí bảo tồn, tôn tạo lại vừa có thể giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết về những công trình kiến trúc độc đáo của Hà Nội.

Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Quốc Thông cho biết thêm, đối với các công trình đang xuống cấp thì thực hiện phương án cải tạo, trùng tu. Cần phải phân loại công trình dân sinh bình thường và công trình di sản để có phương án kinh phí. 

"Các phương án bảo tồn khác như cấm các phương tiện giao thông sinh hoạt hàng ngày đi qua khu vực phố cổ, ngầm hóa tối đa hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật; hay là các khu vực đệm quanh khu phố chính và không gian sinh hoạt công cộng thân thiện không ảnh hưởng tới cảnh quan... cũng cần được chú trọng", ông Thông khẳng định. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: Dự kiến xây 16 tòa nhà tại Việt Hưng để giãn dân phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO