Ô tô - Xe máy

Hà Nội: Khi làn ngược chiều trở thành "lối tắt" cho xe máy

Bài và ảnh: Thanh Trà 23/10/2024 12:16

Tình trạng xe máy đi ngược chiều trên nhiều tuyến phố Hà Nội không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn làm xấu đi hình ảnh văn minh đô thị.

Tình trạng xe máy đi ngược chiều đang trở thành một vấn đề nhức nhối trên nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội. Mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực xử lý, hành vi này vẫn tiếp diễn, đặc biệt vào giờ cao điểm, gây mất an toàn giao thông và làm xấu đi hình ảnh văn minh đô thị.

z5956642412404_e46749259f844f9a0d596953ff7b6667.jpg
Hàng dài xe máy nối đuôi nhau đi ngược chiều trên tuyến đường Tôn Thất Thuyết (hướng ra ngã tư Phạm Hùng). (Ảnh: Thanh Trà)

Vào khung giờ tan tầm, trên các tuyến đường như Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Xuân Thủy,... tình trạng xe máy đi ngược chiều diễn ra với tần suất dày đặc. Thay vì tuân thủ luật lệ, nhiều người điều khiển xe máy bất chấp nguy hiểm, chọn cách di chuyển vào làn ngược chiều để tránh ùn tắc hoặc tiết kiệm vài phút. Những nhóm phương tiện này thường đi thành từng tốp 10-20 xe, chiếm gần nửa lòng đường, buộc các phương tiện đi đúng chiều phải lách sang hai bên để tránh va chạm.

Theo ghi nhận của người dân, hiện tượng này tạo ra một vòng luẩn quẩn: chính hành vi đi ngược chiều làm gia tăng mức độ tắc nghẽn tại các giao lộ, từ đó khuyến khích thêm nhiều người vi phạm. "Tai nạn rồi lại đổ lỗi cho người khác, kiểu này thì nguy hiểm vô cùng" - một người đi đường bức xúc chia sẻ.

z5956642411930_8c4f89fa326824606d18eab9f5bb70cf.jpg
Vắng bóng lực lượng chức năng, nhiều xe máy ngang nhiên đi sang làn đường ngược chiều. (Ảnh: Thanh Trà)

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe máy đi ngược chiều có thể bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Trong trường hợp gây tai nạn, mức phạt có thể tăng lên từ 4 đến 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Tuy nhiên, mức phạt cao vẫn chưa đủ để ngăn chặn hoàn toàn hành vi này. Nhiều người vi phạm biện minh rằng họ "bất đắc dĩ" mới phải đi ngược chiều vì đường tắc hoặc không có lực lượng chức năng giám sát. Một người tham gia giao thông thản nhiên thừa nhận: "Đông quá nên phải đi thế thôi, không phải cố tình vi phạm".

Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội), nhấn mạnh rằng để xử lý triệt để tình trạng cố ý đi ngược chiều, cần kết hợp lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, ông đề xuất thành phố nhanh chóng lắp đặt hệ thống camera giám sát trên toàn bộ các tuyến đường, đặc biệt là khu vực vành đai, để triển khai biện pháp “phạt nguội.” Điều này không chỉ tăng cường khả năng phát hiện vi phạm mà còn góp phần nâng cao ý thức tuân thủ Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện.

Vi phạm giao thông không chỉ ảnh hưởng đến an toàn mà còn phản ánh sự xuống cấp về văn hóa đô thị. Hành vi đi ngược chiều giống như một "vết xước" trên bức tranh văn minh của Thủ đô, gây mất mỹ quan và tiềm ẩn rủi ro cho cộng đồng.

z5956642412162_160ea31ca148df07cd45c75f1c0be3f5.jpg
Cần mạnh tay xử lý hành vi đi ngược chiều để bảo vệ mỹ quan đô thị và hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông. (Ảnh: Thanh Trà)

Để giải quyết triệt để, cần sự phối hợp giữa lực lượng chức năng và mỗi cá nhân tham gia giao thông. Bên cạnh việc tăng cường xử phạt, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Khi mỗi người dân đều ý thức rõ trách nhiệm của mình, tình trạng này mới có thể giảm thiểu, mang lại một môi trường giao thông an toàn, văn minh hơn cho Hà Nội.

Hành vi đi ngược chiều không phải là vấn đề không thể giải quyết, nhưng cần có sự đồng lòng từ cả người dân và chính quyền. Chỉ khi luật pháp được thực thi nghiêm minh và ý thức giao thông được đề cao, chúng ta mới có thể hy vọng vào một Thủ đô không còn những “vết xước” trong bức tranh giao thông đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: Khi làn ngược chiều trở thành "lối tắt" cho xe máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO