Chiều 8/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố.
Báo cáo tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, từ ngày 7 và 8-2, Hà Nội ghi nhận các ca mắc mới, đó là bệnh nhân (BN) 2.009, nữ 28 tuổi (tòa nhà Garden Hill, số 99 Trần Bình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) là F1 của BN 1.722, hiện đã xác định được 6 trường hợp F1 và đã thực hiện xét nghiệm; BN N.B.B sinh năm 2020 là F1 và con gái của BN 2.009; BN H.T.N sinh năm 1971 là F1 và là giúp việc của BN 2.009...
Về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô, đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội đã tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời. Cụ thể, tính từ ngày 27-1 đến nay, Hà Nội ghi nhận 26 ca mắc trong cộng đồng. Hiện, Hà Nội có 927 trường hợp F1, tất cả đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 22 mẫu dương tính; hơn 10 nghìn trường hợp F2, đã được cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe. Hà Nội cũng rà soát những người đi từ vùng dịch Hải Dương và Quảng Ninh với số lượng hơn 18 nghìn người, đã lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 4 trường hợp dương tính, còn lại âm tính. Số người đang cách ly sau khi nhập cảnh là 1.206 người, lũy tích là 47.997 người.
Nhận định về tình hình dịch tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đánh giá, thời gian qua đã xuất hiện những ca mắc mới tại cộng đồng, đều xác định được nguồn lây và có nguồn gốc liên quan tới hai ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh. Tuy nhiên, thực trạng còn có số ít người là F1 của bệnh nhân đã xác định nhưng không tự khai báo kịp thời nên gây khó khăn cho việc truy vết, cách ly, những người này tiếp tục đi lại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nên có nguy cơ lây nhiễm cho những người tiếp xúc. "Vì vậy, nhận định trong thời gian tới, có thể Hà Nội tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng", đồng chí Chử Xuân Dũng nói.
Về nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội tiếp tục yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, nâng mức cảnh báo dịch lên cao hơn một mức so với yêu cầu của Thủ tướng. Trong đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục tập trung vào các việc: Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; thực hiện phòng, chống dịch theo khuyến cáo "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tập trung đông người), đặc biệt phải tuân thủ nghiêm túc khai báo y tế đối với những người thuộc diện F1, F2; những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở phải đến cơ sở y tế ngay.
Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người chưa cần thiết; không tổ chức liên hoan, tất niên, thực hiện hiếu hỷ văn minh, hạn chế đi lại trong dịp Tết. Hà Nội xem xét dừng tổ chức lễ hội để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Các nhà xe, chủ phương tiện giao thông công cộng cần phải thực hiện việc ghi chép đầy đủ thông tin hành khách, đặc biệt là hành khách đi và đến từ các tỉnh, thành phố đang có dịch ngoài cộng đồng.
Ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao quận Đống Đa cho biết, UBND quận vừa có thông báo về việc dừng tổ chức lễ hội kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021).
Thông báo nêu rõ, dù công tác tổ chức Lễ hội đã được quận Đống Đa chuẩn bị xong, nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và rất khó lường và thực hiện Chỉ thị 05/CT - TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID -19 và Chỉ thị 03/CT - UBND ngày 3/2/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Đống Đa quyết định dừng tổ chức lễ kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021).
Trước đó, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cũng có thông báo: Sẽ không tổ chức lễ khai hội chùa Hương vào ngày 17/2 (tức mồng 6 tháng Giêng Âm lịch) như mọi năm, để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Thay vào đó, Ban tổ chức chỉ duy trì đón khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt quần thể khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn-chùa Hương. Khách tham quan bắt buộc đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Tùy vào diễn biến tình hình dịch COVID-19, nếu không đảm bảo an toàn, Ban tổ chức sẽ dừng việc đón du khách tham quan lễ hội chùa Hương.
Còn huyện Mê Linh cũng thông báo không tổ chức lễ kỷ niệm 1981 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lễ hội Đền Hai Bà Trưng. Công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm và lễ hội năm 2021 đã hoàn tất nhưng để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, địa phương đã thống nhất không tiếp tục tổ chức lễ hội.
Ngoài ra, Hà Nội đang tăng cường giám sát dịch, trước mắt sẽ tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại các khu vực có nguy cơ, như sân bay quốc tế Nội Bài; thực hiện bệnh viện an toàn, các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng và tổ chức các phương án phân luồng, khám, sàng lọc; các địa phương tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để rà soát và quản lý toàn bộ những người đi về từ vùng có dịch hoặc nhập cảnh trái phép; xử lý nghiêm những trường hợp khai báo y tế không trung thực.
"Khi phát hiện ca mắc mới, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố yêu cầu triển khai kịp thời công tác cách ly, tổ chức truy vết "thần tốc", xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan tới ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo đúng quy định", đồng chí Chử Xuân Dũng nói.
“Đối với một số trường hợp cố tình không khai báo trung thực, các cơ quan phải xử phạt nghiêm theo quy định mà mới đây Hà Nội đã công bố xử phạt 15 hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19” - Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
16:19, 08/02/2021
12:45, 08/02/2021
11:50, 08/02/2021
11:26, 08/02/2021
11:12, 08/02/2021
11:05, 08/02/2021
10:37, 08/02/2021
08:04, 08/02/2021