UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3195/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội”, trong đó yêu cầu kiểm soát chặt tình trạng “đầu cơ” bất động sản khu vực trung tâm.
>>Giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng chưa có dấu hiệu khởi sắc
Theo UBND TP Hà Nội, đến năm 2020, khu vực đô thị có 22.934 cơ sở kinh doanh bất động sản ngoài nhà nước, trong đó, một số quận tập trung nhiều cơ sở: quận Cầu Giấy (có 3.600), Thanh Xuân (3.414), Nam Từ Liêm (2.417), Bắc Từ Liêm (2.750), Long Biên (2.680) thu hút hàng nghìn lao động tham gia, với tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân lĩnh vực kinh doanh bất động sản ngoài nhà nước tại các quận Tây Hồ tăng 38,57%/năm, Long Biên (24,4%/năm), Hà Đông (39,14%/năm), Nam Từ Liêm (18%/năm), Bắc Từ Liêm (10,68%/năm).
Đáng chú ý, một số quận có tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản mạnh vào một số năm như Cầu Giấy tăng 86,90% (năm 2016), Nam Từ Liêm tăng 64,1% (năm 2016), Hoàng Mai tăng 82,35% (năm 2018), quận Long Biên tăng 118,7% (năm 2017, 2018), Hai Bà Trưng tăng 50% (năm 2018), Tây Hồ tăng 95,57% (năm 2019).
Tuy nhiên, cũng theo UBND TP Hà Nội, trong quá trình phát triển vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị như nhà ở, giao thông đô thị, diện tích công viên trên đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới; Hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị; Hạ tầng thương mại khu vực đô thị tồn tại nhiều bất cập, khó khăn.
Trên cơ sở đó, thông qua Đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội”, UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, hiệp hội tham mưu giải pháp về: phát triển các sản phẩm bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại - dịch vụ (mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, khách sạn).
“Đặc biệt cần kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối cung - cầu, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; kiểm soát chặt tình trạng “đầu cơ” bất động sản khu vực trung tâm” – văn bản nêu rõ.
>>Thị trường văn phòng toàn cầu gặp nhiều khó khăn
Thực tế, tình trạng chung hiện nay ở các TP lớn như Hà Nội, TP HCM là quỹ đất khu vực trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm, bất động sản đầu cơ, giữ hàng chờ tăng giá (không phục vụ nhu cầu ở thật, khai thác tiêu dùng) trở thành "miếng bánh ngon" cho nhà đầu tư.
Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp các khu đô thị bỏ hoang như Vườn Cam, Lideco, Dương Nội, Nam An Khánh, Mê Linh... được xây dựng dở dang hoặc đã xong phần thô nhưng đều phải chung cảnh ngộ bị bỏ hoang ít nhất đã chục năm qua.
Với nhà đất riêng lẻ, hồi cuối năm 2021, trong lúc cả thị trường quay cuồng trong các cơn sốt đất, ngay tại khu vực trung tâm Hà Nội, phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã khiến giới đầu tư “ngã ngửa" vì có mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá này càng trở nên sôi động khi có tới 800 - 900 hồ sơ nộp tham dự. Kết thúc phiến đấu giá, giá trúng cao hơn giá khởi điểm từ 2 - 2,6 lần, khiến nhiều nhà đầu tư nộp từ 5 - 10 bộ hồ sơ nhưng vẫn ra về trắng tay.
Trao đổi với DĐDN, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, việc đầu cơ đẩy giá hàng hóa tăng cao tạo nên giá trị ảo tích tụ vào đồng tiền mà người ta vẫn gọi là “bong bóng” kinh tế. Trường hợp không có giải pháp gì để chặn “sốt” thì “bong bong” vỡ và đồng tiền mất giá.
Nhìn lại thị trường bất động sản trước 2009, phân khúc nhà ở cao cấp phát triển mạnh (cung tăng mạnh) để đáp ứng cho “cầu ảo” phục vụ đầu cơ, trong khi đó thị trường không đoái hoài tới phân khúc giá phải chăng. Sau năm 2009, thị trường bất động sản rơi vào đóng băng, các phân khúc bất động sản “hiện nguyên hình”: phân khúc giá cao rơi vào thừa cung - thiếu cầu, gắn với nợ xấu lên tới 100 nghìn tỷ đồng, theo số liệu 2014. Còn phân khúc giá phải chăng rơi vào thiếu cung - thừa cầu.
Và hiện tại, thị trường cũng có phần "ngựa theo đường cũ" và đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Theo vị chuyên gia, cách phát triển này gây nhiều hệ lụy lớn cho nền kinh tế và cả cho giải quyết những vấn đề xã hội.
"Chỉ có một giải pháp duy nhất “đánh thuế cao vào bất động sản đầu cơ”, làm cho kinh tế phát triển ổn định và người lao động có thể mua nhà ở từ đồng lương của mình" - ông Võ nhận định.
Có thể bạn quan tâm