Các sản phẩm làm ra của các làng nghề Hà Nội chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, khả năng cạnh tranh còn tương đối yếu so với các nước trong khu vực.
Thủ công mỹ nghệ Hà Nội còn chưa phát triển xứng tầm
Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã triển khai có hiệu quả rất nhiều chính sách khuyến khích, phát triển làng nghề. Đến nay, 1.350 làng nghề của Hà Nội trong đó có 1.000 làng nghề thủ công mỹ nghệ đóng góp 10% tổng giá trị sản xuất cho công nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá thì các làng nghề Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá còn tương đối yếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipine...
Bà Hà Thị Vinh – Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết: Chúng tôi làm việc với rất nhiều các tổ chức Châu Âu, khi đến Việt Nam họ ngạc nhiên khi “đi quanh Hồ Gươm, quanh Hà Nội hiện nay chỉ thấy các sản phẩm của nước ngoài, chủ yếu là của Trung Quốc. Sản phẩm thủ công của Việt Nam thấy quá ít”. Ngay ở “sân nhà”, một thị trường rộng lớn ở Hà Nội chúng ta cũng đang rất thiếu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ cho du lịch.
Việc phát triển làng nghề không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết và tạo việc làm cho lao động nông thôn, ngoại thành, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội mà đây còn là vấn đề bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Có nhiều nguyên nhân khiến việc các làng nghề Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, một trong những nguyên chính là về mẫu mã của sản phẩm. Các mẫu mã sản phẩm của làng nghề chậm đổi mới, không có tính sáng tạo, thiết kế đơn điệu, chưa phù hợp với thị hiếu khách hàng cùng với việc các sản phẩm cũ, tỷ trọng sản phẩm truyền thống vẫn chiếm phần lớn...
Đối với các thợ giỏi, nghệ nhân muốn làm được ra những sản phẩm đúng xu hướng, đáp ứng được thị hiếu của thị trường và đảm bảo các yêu cầu phục vụ cho xuất khẩu thì chỉ có kinh nghiệm thôi chưa đủ. Để phát triển và xuất khẩu được bền vững thì còn yêu cầu người làm ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải có kiến thức về thiết kế.
Nỗ lực gỡ nút thắt
Câu chuyện của các làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội cũng là những “nút thắt” chung của những làng nghề khác trên khắp cả nước. Để các làng nghề Hà Nội nói riêng và các làng nghề trên cả nước nói chung phát triển được bền vững, đòi hỏi phải đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, gia tăng tỷ lệ sản phẩm có mẫu mới trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường, giảm dần tỷ lệ sản phẩm có mẫu mã cũ, loại bỏ các sản phẩm không còn phù hợp với thị trường.
Ông Nguyễn Văn Trung – Chủ cơ sở sản xuất thuộc làng nghề mây tre Phú Vinh (Phú Nghĩa, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay các cơ sở sản xuất mây tre đan chúng tôi rất muốn UBND Thành phố Hà Nội thường xuyên hơn nữa trong việc kết nối, tạo sự gặp gỡ các đơn vị, địa bàn có vùng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất. Tổ chức các cuộc thi cho các nghệ nhân, thợ giỏi, làng nghề có cơ hội cọ sát, phát huy được những ý tưởng sáng tạo, thiết kế ra những mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật".
Nhằm giải quyết những “nút thắt” để nâng cao chất lượng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội, UBND TP Hà Nội giao Sở Công thương cũng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vinh danh khen thưởng nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018”. Cuộc thi năm nay có chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển làng nghề và du lịch" được tổ chức với kỳ vọng tạo được phong trào thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo ông Đào Hồng Thái - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội - Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, các sản phẩm dự thi sẽ được chấm với 4 tiêu chí: Tính sáng tạo, tính thương mại, thân thiện môi trường và tính thẩm mỹ.
Đây cũng là cuộc thi để vinh danh, ghi nhận những đóng góp, cống hiến và thành tích đạt được của các nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ trong những năm qua.