Hà Nội: Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động vì COVID-19

Đỗ Huyền 16/04/2020 16:36

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đối thoại giữa Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô.

Chiều 16/4, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến "Đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội" để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. 

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết trong quý I-2020, tình hình sản xuất kinh doanh đã bộc lộ nhiều khó khăn. Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt.

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 đơn vị (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Tại cuộc họp, ông Quyền cũng cho biết, để đối phó với dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trường hợp khác, dịch bệnh được kiểm soát vào quý III, tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra.

Trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng 5%). Trên cơ sở đó, thành phố ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Trong đó, đáng chú ý là thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đang rà soát các đối tượng được hưởng chế độ với tổng số kinh phí dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND thành phố thông qua để thực hiện, như: Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh trên địa bàn; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch COVID-19…

Thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã triển khai 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.

Về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; trong đó, tổng số cụm công nghiệp quy hoạch đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm, với diện tích 3.204,31ha. Hiện tại, đã có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, với diện tích là 1.328,64 ha, hỗ trợ khoảng 3.600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất.

Bên cạnh đó, thành phố cũng kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cụm công nghiệp, tổng diện tích là 1.016,72 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất trong thời gian tới.

Về hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ, thành phố triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng (kinh phí hỗ trợ từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/doanh nghiệp/hợp đồng/năm). Đặc biệt, thành phố hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp (khoảng 1 tỷ đồng/dự án)…

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị "nới" thời gian giãn thuế cho doanh nghiệp

    16:25, 16/04/2020

  • Chủ tịch BRG: Mong muốn Hà Nội cấp phép lưu thông hàng hóa khi đi tỉnh

    15:18, 16/04/2020

  • Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ: "Hà Nội sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư"

    15:17, 16/04/2020

Về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, thành phố đã triển khai 2 đề án, với nhiều chính sách như: Hỗ trợ kinh phí thành lập cho doanh nghiệp (phí công bố thông tin lần đầu, kinh phí làm dấu và chuyển trả kết quả cho doanh nghiệp); hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (trên 20 tỷ đồng/năm); hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo (20 triệu đồng/doanhnghiệp/năm)...

Để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thành phố có chủ trương thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông, thương mại điện tử, thanh toán online, giáo dục trực tuyến…

Hiện, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động vì COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO